Đạo văn - chuyện xưa nay không hiếm

Để đảm bảo tính kế thừa, việc trích dẫn nội dung không phải xa lạ đối với người làm khoa học, tuy nhiên điều này xưa nay vẫn bị một số cá nhân "bỏ quên".

Thời gian gần đây, vụ việc hai tác giả TS. Đỗ Hải Ninh và TS. Vũ Thị Trang cùng thuộc Viện Văn học “tố” cáo nhau đạo văn trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã được công bố trước đó để mang đi in sách đang được quan tâm.

Theo đó, phía TS. Đỗ Hải Ninh cho rằng toàn bộ 1 chương do mình viết trong đề tài “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” đã bị thay đổi vị trí các đoạn trong cuốn “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS. Vũ Thị Trang.

Điều đáng nói ở đây, việc kiện tụng không được giải quyết rõ ràng suốt 3 tháng khi người tố cáo đệ đơn lên cơ quan quản lý, câu chuyện chỉ được chú ý hơn khi bà Ninh phải đăng đàn lên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, sự việc này còn khiến người trong giới văn học quan ngại khi tác phẩm bị tố đạo văn đã qua nhiều vòng kiểm định của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam để được nhận hai giải thưởng lớn chuyên ngành.

Văn hoá - Đạo văn - chuyện xưa nay không hiếm

Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ  quan điểm trên trang thông tin của hội

Mới đây ngày 15/3, Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ quan điểm rằng luôn bảo vệ sự trung thực, minh bạch, độc lập trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật; không chấp nhận và kiên quyết phản đối những sản phẩm vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, là tổ chức hội nghề nghiệp, Hội Nhà văn Việt Nam không có chức năng và thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về vi phạm bản quyền tác phẩm văn học.

Vì vậy, BCH Hội Nhà văn đã làm việc với một số cơ quan hữu quan đề nghị phối hợp làm rõ những nội dung Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh đề cập trong đơn đề nghị.

Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam cũng khẳng định thực hiện đúng quy trình và quy chế giải thưởng.

Nghiên cứu khoa học phải được thực hiện nghiêm túc

Trên thực tế, đạo văn không phải câu chuyện xưa nay hiếm, đây cũng là vấn đề nhức nhối ngay cả ở các nước phát triển. Đơn cử như ở Đức vào năm 2021, Bộ trưởng Gia đình Đức Franziska Giffey đã từ chức vì một vụ bê bối đạo văn bằng tiến sĩ được nộp vào năm 2010.

Hay trước đó vào năm 2013, Bộ trưởng Giáo dục Đức Annette Schavan phải từ chức sau bê bối đạo văn sau khi bị trường đại học tước bằng tiến sĩ.

Tại Việt Nam, cũng không ít những trường hợp lùm xùm liên quan đến chuyện xào nghiên cứu của người khác. Giai đoạn 2018-2019, vụ việc GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện Ngôn ngữ học cũng bị tố ăn cắp nội dung nghiên cứu của học trò khiến Bộ GD&ĐT phải thành lập tổ thanh tra và hàng trăm những vụ kiện tụng khác liên quan đến vấn đề bản quyền trong nghiên cứu.

Văn hoá - Đạo văn - chuyện xưa nay không hiếm (Hình 2).

GS.TS Phạm Quang Minh bày tỏ câu chuyện đạo văn khó đi đến kết luận cuối cùng

Trước vấn đề này trao đổi với Người Đưa tin, GS.TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn bày tỏ: “Ở Việt Nam việc kiểm tra đạo văn được gọi là rà soát sự trùng lặp, trên thực tế ở bậc đại học các đề tài được phép trùng lặp dưới 20%. Điều này tạo ra nhiều lỗ hổng trong việc nghiên cứu, ở các nước tỉ lệ này không được cao như vậy”.

Theo giáo sư, Mỹ, Anh, Úc là những quốc gia quy định rất chặt chẽ về vấn đề này. Ngay trong quá trình học tập, các trường đại học đã phải thông báo đến với sinh viên, nghiên cứu sinh những quy định liên quan đến vấn đề bản quyền của các công trình nghiên cứu.

 “Hoạt động nghiên cứu khoa học là công việc nghiêm túc, việc không tuân thủ quy tắc về trích dẫn nguồn nội dung không phải do mình nghiên cứu là hoàn toàn không được phép.

Thực tế hiện nay chúng ta vẫn chưa quy định rõ ràng vấn đề này cũng như chưa có hình thức xử phạt rõ ràng, những sự việc này chỉ dừng lại ở đâu đó mà khó đi đến kết luận cuối cùng”, GS.TS Phạm Quang Minh bày tỏ.

Văn hoá - Đạo văn - chuyện xưa nay không hiếm (Hình 3).

Những đoạn văn giống hệt nhau giữa nghiên cứu của Đỗ Hải Ninh và cuốn sách của Vũ Thị Trang

Đúng sai do Hội đồng xét duyệt quyết định

Để hiểu rõ hơn dưới góc độ quy định pháp luật Người Đưa tin đã có trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh, Trưởng văn phòng Luật sư Vạn Bảo, Đoàn Luật sư Hà Nội.

Bà Quỳnh đánh giá: “Việc phân định giữa hiện tượng đạo văn và xâm phạm quyền tác giả trước nay vẫn luôn là vấn đề được đưa ra tranh luận tại các diễn đàn, thảo luận. Chúng ta cần phải phân biệt rõ nội hàm hai khái niệm này để tránh nhầm lẫn”

Đạo văn là hành vi sao chép một phần hoặc toàn bộ ý tưởng/tác phẩm của người khác nhưng không trích dẫn nhằm gây hiểu lầm là của mình. Các hành vi này thường xảy ra tại các trường đại học hoặc các cơ sở liên quan đến học thuật, nghiên cứu.

“Việc đạo văn không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý, các hội đồng xét duyệt của các trường đại học, cơ sở liên quan học thuật, nghiên cứu sẽ là đơn vị kiểm tra, rà soát và ra quyết định công nhận hay không công nhận sản phẩm có yếu tố đạo văn”, vị luật sư thông tin.

Để hạn chế việc đạo văn theo luật sư, các đơn vị sẽ ban hành những văn bản nội bộ quy định chi tiết về thể thức, cách thức trích dẫn nguồn tham khảo cũng như tỉ lệ sao chép tối đa cho phép.

Tỉ lệ sao chép này do từng đơn vị quy định và không có mức tỉ lệ chung. Một số đơn vị đã áp dụng đồng thời thư viện dữ liệu và khoa học công nghệ 4.0 để kiểm tra mức độ sao chép của sản phẩm, việc này đã giảm thiểu rất nhiều tình trạng đạo văn hiện nay.

Văn hoá - Đạo văn - chuyện xưa nay không hiếm (Hình 4).

Cần phân biệt rõ giữa đạo văn và xâm phạm quyền tác giả

Trong khi đó xâm phạm quyền tác giả là một khái niệm pháp lý, các hành vi bị coi là xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Thời điểm phát sinh quyền tác giả được xác định kể từ khi tác phẩm được sáng tạo, không phân biệt ngôn ngữ, đã công bố hay chưa và đã đăng ký bản quyền hay chưa đăng ký bản quyền.

“Việc đăng ký bản quyền là không bắt buộc, tuy nhiên trong trường hợp sản phẩm có tranh chấp chưa được đăng ký bảo hộ thì tác giả có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình”, bà Quỳnh bày tỏ.

Khi có căn cứ xác định cấu thành hành vi xâm phạm bản quyền, thì cá nhân, tổ chức xâm phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Luật sư Quỳnh cho biết: “Khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng, đồng thời cá nhân tổ chức vi phạm phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả”.