Từ khi trở thành mẹ, MC Đan Lê luôn nhận được tình yêu và sự quý mến của mọi người bởi cách dạy con chu đáo, tận tâm. Hai con trai của cô và đạo diễn Khải Anh là Khải Nguyên, Khải Minh cũng có tính cách ấm áp, biết yêu thương mọi người.
Hai bé đang trong tuổi ăn học, nghịch ngợm nên cũng như nhiều phụ huynh khác, Đan Lê cũng phải dành rất nhiều tâm huyết để uốn nắn. Nữ diễn viên là một bà mẹ yêu con. Cô luôn có những chiêm nghiệm sâu sắc về cách nuôi dạy con cái.
Nhà nào có em bé mê lego đều biết việc dọn dẹp mệt đến thế nào. Mỗi bộ lego lại có cả hàng trăm chi tiết, nhìn thôi đã thấy "tiền đình". Mỗi lần các con bày bừa ra là bố mẹ lo lắng, chỉ sợ đi vài bước lại giẫm phải miếng lego mà thôi.
Cũng có 2 con trai đam mê lego, Đan Lê đã có cách xử lý cực kỳ hay, nhiều bà mẹ nên học hỏi nếu muốn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ.
"Tips thúc đẩy tính gọn gàng, ngăn nắp ở trẻ.
Đây là những gì sót lại của cuộc chiến không khoan nhượng mang tên: NGĂN NẮP, GỌN GÀNG.
Với mình, nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là: Tuyệt đối không dọn hộ.
Mình biết, điều này rất khó vượt qua. Vì KHÔNG DỌN HỘ tức là chấp nhận tạm thời sống trong ngôi nhà CỰC KỲ BỪA BÃI.
Nhưng nếu bạn cứ dọn mãi, thì ngôi nhà của bạn cũng vẫn bừa mãi thôi. Vì tụi nhỏ sẽ không bao giờ nhận thấy giá trị của một ngôi nhà ngăn nắp.
Vậy giá trị của một ngôi nhà ngăn nắp là gì? Là dễ dàng tìm được thứ mình cần, là nơi sạch sẽ, thoải mái để hưởng thụ, vui chơi.
Nên nguyên tắc thứ 2 giúp thúc đẩy thói quen gọn gàng là: Để trẻ tự làm tự chịu.
Đừng tìm hộ sách vở cho dù trẻ muộn học.
Đừng mua bù thước bút, đồ chơi nếu trẻ không tìm thấy. Sau vài lần mất mát trẻ sẽ rút ra lợi ích của việc dọn dẹp sau khi dùng.
Tất nhiên thói quen tốt cần nhiều thời gian để rèn luyện, nên nguyên tắc thứ 3 của mình là làm gương và lôi kéo trẻ tham gia dọn dẹp thông qua các trò chơi, thi đấu.
Mình cũng cho con các góc riêng được thỏa sức làm theo ý mình để các con không bị cảm giác gò bó, o ép quá.
Và nếu bạn đã áp dụng tất cả những nguyên tắc trên mà tụi nhỏ vẫn vứt đồ tung toé thì vẫn còn 1 nguyên tắc tối thượng là: Bố mẹ sẽ chỉ nhắc nhở đến lần thứ 2, mỗi lần cách nhau tối đa 15 phút, nếu con vẫn không biết ngăn nắp, tôn trọng đồ đạc của mình, thì bố mẹ sẽ có toàn quyền cho tặng, tịch thu hoặc vứt bỏ món đồ mà con yêu thích.
Đảm bảo áp dụng các này bình tĩnh, cương quyết vài lần là có tác dụng ngay", Đan Lê chia sẻ.
Tại sao nên để con thấy sự khác biệt giữa hậu quả của sự bừa bộn và lợi ích của việc gọn gàng?
Sự ngăn nắp, gọn gàng không chỉ giúp trẻ em biết cách tổ chức công việc và các hoạt động trong đời sống mà còn là nền tảng cho sự thành công về sau của chúng. Tuy nhiên, điều này thường bị nhiều phụ huynh lờ đi.
Có bao giờ các bậc phụ huynh tự hỏi bản thân khi nào thì sẽ dừng việc liên tục dọn dẹp đồ chơi, quần áo và sách vở cho con cái không? Nếu câu trả lời là có, thì có lẽ đã đến lúc họ cần xem xét lại cách dạy dỗ của mình. Bởi nếu tình trạng này tiếp diễn, có nghĩa là trẻ không được học cách tự giác và phụ huynh chưa thành công trong việc xây dựng nền tảng kỷ luật cho con.
Trẻ em nếu được giáo dục trở nên ngăn nắp, gọn gàng từ nhỏ sẽ không làm cha mẹ phải vất vả dọn dẹp và sẽ nắm bắt được kỹ năng quan trọng này cho tương lai, biết cách tổ chức công việc và sắp xếp cuộc sống một cách khoa học, lý trí. Việc hình thành thói quen sống gọn gàng từ sớm sẽ giúp trẻ dễ dàng thích nghi và phát triển.
Đa số quan điểm đều cho rằng trước tuổi 3 là giai đoạn trẻ bắt đầu nhận thức, quan sát và chú ý đến môi trường xung quanh. Do đó, cha mẹ cần phải có những phương pháp riêng biệt để rèn luyện cho con về cả hành động lẫn tư duy, giúp trẻ nhận ra sự khác biệt giữa cảnh hỗn độn và lợi ích của việc sống ngăn nắp.
Làm sao để dạy con tính gọn gàng, ngăn nắp ngay từ thuở nhỏ?
- Để dạy con gọn gàng, ngăn nắp, trước hết, phụ huynh cần làm gương cho con bằng cách giữ cho ngôi nhà và không gian sống luôn sạch sẽ, có trật tự.
- Cần thiết lập quy tắc cụ thể: Mỗi đồ vật đều có nơi riêng của nó và sau khi sử dụng xong phải để đúng chỗ.
- Cho trẻ tham gia vào việc dọn dẹp từ nhỏ: Biến việc dọn dẹp thành trò chơi, tạo điều kiện cho trẻ có cảm giác thích thú khi làm sạch và gọn gàng.
- Tạo lịch trình cố định: Dành ra thời gian nhất định mỗi ngày hoặc tuần để cùng con dọn dẹp, từ đó hình thành thói quen. Khen ngợi mỗi khi trẻ làm theo đúng quy tắc, từ những việc nhỏ nhất như xếp đồ chơi sau khi chơi, cho đến việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Dạy trẻ cách tự quản lý: Ví dụ, có thể dùng hộp đựng có ghi nhãn để trẻ tự phân loại và cất đồ chơi.
- Học cách nhượng bộ: Không phải lúc nào cũng nên ép trẻ quá mức, hãy để cho trẻ có không gian riêng và học cách tự sắp xếp từ từ. Gợi ý cho trẻ về cách sắp xếp hợp lý, giúp trẻ nhận thức được mức độ quan trọng của việc gìn giữ đồ đạc.
- Mẫu giáo và trường học cũng có vai trò quan trọng, cha mẹ nên phối hợp chặt chẽ với giáo viên để duy trì sự nhất quán trong việc giáo dục trẻ.
- Kiên nhẫn và nhất quán: Việc hình thành thói quen cần thời gian, không nên vội vàng hoặc nản lòng nếu trẻ không ngay lập tức thay đổi.
- Tập cho trẻ sự tự lập: Khuyến khích trẻ tự mình sắp xếp quần áo, sách vở và đồ chơi, từ đó phát triển kỹ năng tự chủ.
- Tránh quá mức kiểm soát: Không nên dọn dẹp thay trẻ hoặc sửa chữa mọi thứ mà trẻ đã cố gắng làm, điều này có thể làm mất đi động lực của trẻ.
- Đặt giới hạn về số lượng đồ chơi và quần áo: Giúp trẻ không bị quá tải và dễ dàng quản lý hơn. Chú ý đến việc đưa ra hình phạt hoặc hậu quả phù hợp nếu trẻ không tuân thủ các quy tắc đã đặt ra, giúp trẻ hiểu rõ ràng hơn về việc tuân thủ kỷ luật.
- Cuối cùng, hãy chú trọng vào việc dạy dỗ bằng cách hiểu và lắng nghe nhu cầu của trẻ, từ đó có cách tiếp cận phù hợp nhất với từng đứa trẻ.