Nhà thiết kế từ thương hiệu La Sen Vũ cho biết, bản thân sáng tạo bộ sưu tập này với mục tiêu tôn vinh vóc dáng người phụ nữ, đồng thời, gửi gắm thông điệp ý nghĩa về nền văn hóa lâu đời của đất nước. Với "Champa Fashitecture", cô chọn nghệ thuật kiến trúc tại Bình Định, vùng đất nổi tiếng với hệ thống đền tháp Chăm pa cổ nghìn năm có quy mô lớn bậc nhất Đông Nam Á.
- Bộ sưu tập "Champa Fashitecture" mang ý nghĩa như thế nào?
- "Champa Fashitecture" là sự kết hợp trên nền tảng tà áo dài Việt Nam với những nét cách điệu hiện đại, lấy cảm hứng từ các di sản công trình kiến trúc nghệ thuật đền tháp Chăm Bình Định như: cụm Tháp Đôi, tháp Bánh ít, Tháp Bình Dương... Bộ sưu tập còn có cả dấu ấn từ những làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm Hà Ri, Hà Văn của người dân tộc Ba Na, Chăm Hroi hay nghề làm bún Song Thằn tiến vua của đất võ Bình Định.
Tôi muốn truyền tải thông điệp tôn vinh giá trị văn hóa vật thể, đồng thời, tôn vinh những giá trị văn hóa phi vật thể, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam trong phát triển kinh tế du lịch Bình Định. Đây cũng là giá trị cốt lõi tôi luôn hướng tới trong các bộ sưu tập của mình.
- Là một kiến trúc sư và đang giảng dạy tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, chị tận dụng thế mạnh này như thế nào để khai thác nghệ thuật kiến trúc Bình Định và tái hiện lại trong bộ sưu tập áo dài?
- Tôi là một giảng viên tại Đại học Kiến trúc Hà Nội và chuyên ngành thời trang cũng đang được giảng dạy tại trường. Hai lĩnh vực có một lịch sử sáng tạo từ rất lâu đời. Các nhà thiết kế và kiến trúc sư đã áp dụng mọi thứ từ hình học để tạo nên phom dáng hay cấu trúc, đường kẻ và khối hình khác nhau. Có thể nói, thời trang là thứ con người khoác lên thân thể, kiến trúc là không gian để ta làm điều đó.
Trước khi thực hiện bộ sưu tập này, tôi đã phải tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng về kiến trúc Bình Định. Đối với tôi, đây là vùng đất nổi tiếng với hệ thống đền tháp Chăm pa cổ độc đáo. Phong cách tháp Chăm Bình Định có sự khác biệt so với phong cách tháp Chăm ở những nơi khác.
Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XI – XIII, kiến trúc tháp Chăm Bình Định tập trung chủ yếu vào mảng khối, thay vì các họa tiết chi tiết như tháp Chăm Hòa Lai, Đồng Dương, Mỹ Sơn... Với hình dáng chủ đạo chia thành hai phần chính: vuông vức và đỉnh tháp chứa mặt cong, thu nhỏ dần phía trên. Mỗi góc tháp lại có các khối nhỏ dần tạo cảm giác vút lên. Vòm cửa nhỏ lại và vót thành mũi giáo. Các tháp nhỏ trên các tầng cuộn lại thành khối. Các trụ ốp thu vào thành khối phẳng. Mặt tường có sống gân tạo đường nét đậm, khỏe.
Tính quy mô, tráng lệ của các tháp Chăm còn thể hiện ở nghệ thuật điêu khắc đã đạt tới trình độ điêu luyện. Ví dụ, tháp có họa tiết hoa cúc, sen, hoa dây cách điệu; con vật như voi, bò thần Nadin, rắn thần Naga hay hình tượng người phụ nữ. Đối với tôi, tất cả những tác phẩm này đều xứng đáng là một trong những kiệt tác nghệ thuật điêu khắc Chăm, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình.
- Vậy chị đã làm như thế nào để đưa nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm vào tà áo dài truyền thống?
- Những mảng khối tháp với tỷ lệ tạo hình đỉnh cao, cổng vòm, những mái tháp nhỏ dần có cứng có mềm, thẳng - cong đan xen đã tạo nên những nét cách điệu trong tạo hình thiết kế, chi tiết dáng tà áo tạo đáy tà nở, thu lại phía trên thân và eo áo dài.
Đường vòm cong tập trung tạo hình trên phần ngực áo kết hợp với hoa văn họa tiết cách điệu trên ngực và cầu vai tạo điểm nhấn vào đường cong của phái đẹp. Tôi cũng sử dụng thủ pháp thể hiện những mảng miếng đặc rỗng, sáng tối, âm dương, tương phản chất liệu... Tất cả tạo nên nét hài hòa giữa kiến trúc và thời trang, nét hoài cổ từ những kiến trúc tháp chăm, xây dựng từ thế kỷ XI – XIII kết hợp với nét truyền thống của áo dài.
Màu sắc chủ đạo trong bộ sưu tập là đỏ, có độ chuyển màu sắc đỏ hồng đến đỏ cam, đỏ sẫm như đặc trưng của gốm Chăm, gạch nung trong ánh hoàng hôn. Đồng thời, tôi điểm xuyết sắc nâu nhạt, tím trầm.
- Chị lựa chọn chất liệu, phụ kiện cho bộ sưu tập mới như thế nào?
- Tất cả thiết kế trong bộ sưu tập được sử dụng chất liệu gấm cao cấp, lụa tơ tằm, thổ cẩm của người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh. Tôi cũng dùng nhiều họa tiết hoa văn hình học, đặt nghệ nhân dệt thủ công riêng.
Sự đối lập chất liệu chất gấm cứng nhẹ, tạo dáng chắc khỏe vững chãi thể hiện sức sống, sự khỏe khoắn của những ngọn tháp cũng như con người đất võ Bình Định. Bề mặt sần gai xốp của thổ cẩm kết hợp với chất tơ, lụa tơ tằm mềm mại cũng tạp nên sự uyển chuyển, tượng trưng cho đường cong của công trình và người phụ nữ. Những mảng lưới voan trong suốt đối lập với kỹ thuật chần bông tỉ mỉ cũng làm nổi bật hình dáng cụm tháp.
Các thiết kế được đính kết thủ công hạt đá, cườm, pha lê cao cấp kết hợp các chi tiết sử dụng chỉ vàng, kỹ thuật dát vàng thể hiện sự trù phú của người Chăm xưa. Ngoài ra, tôi sử dụng kỹ thuật cắt may linh hoạt, tạo hình thủ công cầu kỳ để phù hợp tinh thần của kiến trúc tháp Chăm.
- Trong bộ sưu tập mới này chị muốn truyền tải đến cộng đồng những thông điệp gì?
- Thông qua những tác phẩm của mình, tôi muốn mọi người yêu, bảo vệ và quảng bá kho báu Chăm cổ - minh chứng cho nền văn hóa của dân tộc Việt, thể hiện rõ nét đời sống tâm linh, tín ngưỡng, quan niệm, tư duy tạo hình trong kiến trúc, điêu khắc của người Chăm xưa.
Trong đó, tháp Chăm Bình Định là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chămpa. Mỗi một cụm tháp là kho sử liệu nghệ thuật. Dấu ấn này ở Bình Định vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đây không chỉ niềm tự hào của Bình Định mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Đừng để những kho báu này bị phiêu lãng với thời gian.
Thiên Minh
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/ntk-vu-lan-anh-dua-kien-truc-binh-dinh-trong-bo-suu-tap-moi-a10316.html