Theo quy định của Thông tư 43/2020/TT-BTTTT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối phục vụ thông tin di động mặt đất, từ 1/7/2021 quy định thiết bị đầu cuối phục vụ thông tin di động sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu phải được hỗ trợ công nghệ 4G.
Hiện có hơn 20 triệu điện thoại di động được bán tại Việt Nam mỗi năm, trong đó, 60% là điện thoại thông minh và 40%, tức là có 8 triệu sản phẩm là điện thoại phổ thông. Thông tư 43 có hiệu lực làm tác động đến các điện thoại phổ thông chỉ hỗ trợ 2G và 3G, do đó làm tăng nhu cầu chuyển đổi sang 4G và 5G.
Điện thoại dùng công nghệ 2G sắp bị khai tử vẫn được một số gia đình sử dụng.
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông - TTTT), thời gian gần đây, số thuê bao sử dụng thiết bị thuần 2G giảm, tuy nhiên còn chiếm tỷ lệ tương đối cao (khoảng 20%) nhưng được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới, khi triển khai Thông tư 43/2020/TT-BTTTT các thiết bị 2G giảm dần tiến tới không còn trên hệ thống các kênh phân phối. Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 123 triệu thuê bao di động, trong đó người dùng điện thoại thông minh (smartphone chiếm khoảng 80%).
Từ nay đến cuối năm 2022, Cục Viễn thông sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp (DN) công bố kế hoạch dừng công nghệ 2G. Cục Viễn thông sẽ đề xuất các giải pháp phổ cập smartphone.
Hiện chưa có thông tin chính thức về thời điểm dự báo tắt sóng 2G nhưng dự báo sẽ có lộ trình tăt thử nghiệm theo từng vùng, khu vực. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang công nghệ và thiết bị mới sẽ được làm rộng rãi trong thời gian tới, nhất là việc hỗ trợ người dân chuyển đổi sang smartphone.
Bộ TTTT cũng đã cấp phép cho các DN thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Trong năm 2022, Bộ TTTT khuyến khích các DN tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô thử nghiệm tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phù hợp với kế hoạch phát triển 5G của mỗi DN.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/khi-nao-tat-song-cong-nghe-2g-tai-cac-tinh-thanh-a14222.html