Nụ cười tạo nên lịch sử
Vào lúc 11h44 sáng ngày 19/9/1982, Scott Fahlman đã làm nên lịch sử Internet bằng cách ghép một dấu hai chấm, một dấu gạch ngang và một dấu ngoặc đơn lại với nhau.
Fahlman, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon, đã đăng biểu tượng :-) trên bảng thông báo trực tuyến của trường, thứ vốn được coi là mạng xã hội sơ khai thuở ấy.
Khuôn mặt cười này được Kỷ lục Guinness Thế giới gọi là "biểu tượng cảm xúc kỹ thuật số đầu tiên" và là tiền thân của biểu tượng cảm xúc emoji rất phổ biến về sau. Fahlman đã giúp giải quyết một vấn đề quen thuộc với người dùng internet ngày nay: truyền tải cảm xúc trực tuyến.
"Khi nói ra lời giễu cợt, người nghe có thể không hiểu rằng bạn chỉ đang trêu đùa và họ sẽ đáp lại bằng sự tức giận, thù địch, khiến cuộc thảo luận trở nên căng thẳng", Fahlman nói với CNN Business.
"Khi sử dụng phương tiện internet chỉ có ký tự văn bản, mọi người không thể biết bạn đang đùa hay không. Không có ngôn ngữ cơ thể, không có biểu cảm trên khuôn mặt".
Trong 40 năm kể từ đó, biểu tượng cảm xúc và sau này là emoji đã trở thành trung tâm trong các cuộc hội thoại trực tuyến và đôi khi là cả ngoại tuyến.
Có hơn 3.600 biểu tượng cảm xúc có sẵn để người dùng thể hiện mọi cảm xúc và giải quyết hiệu quả vấn đề ban đầu mà Fahlman đã xác định - mang lại cho thông điệp một ý nghĩa sống động hơn, cho dù đó là một cái vẫy tay, một khuôn mặt đang khóc hay một nhân vật đeo kính tò mò.
"Các biểu tượng cung cấp ý nghĩa thay cho lời nói", Jennifer Daniel, người đứng đầu Tiểu ban Biểu tượng cảm xúc của Unicode Consortium, tổ chức phi lợi nhuận giám sát các tiêu chuẩn biểu tượng cảm xúc cho biết.
"Đó là những điều chúng ta làm trực tiếp một cách tự nhiên, như ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu, âm lượng, giao tiếp bằng mắt".
Không mất nhiều thời gian để biểu tượng cảm xúc ban đầu và các biến thể lan rộng ra ngoài khuôn viên Carnegie Mellon. Nhưng phải mất thời gian để biểu tượng cảm xúc bắt đầu phổ biến ở Mỹ.
Lan rộng toàn cầu
Vào giữa những năm 1990, NTT Docomo, một công ty điện thoại di động Nhật Bản, đã đưa biểu tượng trái tim nhỏ màu đen vào máy nhắn tin.
Đến năm 1997, SoftBank, một công ty khác của Nhật Bản, đã phát hành bộ biểu tượng cảm xúc 90 ký tự trên một mẫu điện thoại di động, nhưng đồ họa không theo kịp thời thế đối với bộ sưu tập 176 ký tự của Docomo vào năm 1999.
Mãi cho đến khi Unicode tham gia, sự mở rộng của biểu tượng cảm xúc mới bắt đầu. Unicode, tổ chức chuyên thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ quốc tế để hỗ trợ các ngôn ngữ, đã nhận nhiệm vụ chuẩn hóa biểu tượng cảm xúc vào năm 2010 theo yêu cầu của các công ty công nghệ như Apple và Google.
Mặc dù hiện tại đã có các hướng dẫn rất rõ ràng về biểu tượng cảm xúc mới, nhưng những ngày đầu tiêu chuẩn hóa biểu tượng cảm xúc của Unicode đã cho phép một số biểu tượng hơi nhạy cảm.
Jeremy Burge, người sáng lập Emojipedia, nói với CNN Business: "Ngày nay, có rất nhiều quy tắc và các biểu tượng cảm xúc mới trải qua một quy trình khá nghiêm ngặt".
Apple đã thêm bàn phím biểu tượng cảm xúc chính thức vào năm 2011, một cột mốc mà các chuyên gia biểu tượng cảm xúc đánh giá là sự hiện diện đầu tiên đối với thế giới mạng trực tuyến nước Mỹ.
Đến năm 2015, biểu tượng cảm xúc cười ra nước mắt (😂) đã được vinh danh là từ của năm trong Từ điển Oxford. Biểu tượng cảm xúc này vẫn được người dùng Mỹ yêu thích nhất, theo một nghiên cứu của Adobe công bố trong tháng này.
Có 3.000 biểu tượng mà bạn có thể sử dụng chỉ bằng một cú chạm đầu ngón tay trên điện thoại. Tuy nhiên, thậm chí 3.000 có thể là không đủ. Cũng như ngôn ngữ phát triển, biểu tượng cảm xúc cũng vậy.
Unicode đưa ra các bản cập nhật bộ biểu tượng cảm xúc vào tháng 9 hàng năm sau khi chọn lọc các đề xuất và đáp ứng các xu hướng toàn cầu.
Phiên bản 15.0.0, được phát hành mới đây, đã thêm 20 ký tự biểu tượng cảm xúc, bao gồm hình một bộ tóc, bộ gõ maraca và sứa.
Nhưng Unicode cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích trong nhiều năm vì thiếu biểu hiện chủng tộc, giới tính, khuyết tật trong các bộ biểu tượng cảm xúc trước đó, điều đã được hoàn thiện dần trong các bộ biểu tượng cảm xúc sau này.
Mặc dù hiện nay có hàng nghìn tùy chọn biểu tượng cảm xúc, nhưng cách sử dụng chính vẫn trung thành với mục tiêu ban đầu cách đây 40 năm là mang đến niềm vui nhẹ nhàng.
Keith Broni, tổng biên tập của Emojipedia, nói với CNN Business: "Những gì bạn thấy trên bảng liệt kê các biểu tượng cảm xúc phổ biến nhất được sử dụng thường là tính giải trí, hài hước hoặc tình cảm".
Trong khi Fahlman tiếp tục làm việc tại Carnegie Mellon với tư cách là Giáo sư danh dự, nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo và các ứng dụng, ông thường xuyên có những cuộc nói chuyện trên khắp thế giới về câu chuyện tạo biểu tượng cảm xúc của mình và đón nhận sự quan tâm không ngừng.
"Thật vui khi nổi tiếng một chút vì điều gì đó", ông nói.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nguon-goc-ra-doi-day-thu-vi-cua-bieu-tuong-mat-cuoi-hoa-ra-da-co-tu-40-nam-truoc-a14545.html