"Cái chết đen" là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại. Nó bắt đầu lây lan qua châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi vào năm 1346 và giết chết khoảng 30 - 50% dân số vào thời điểm đó. Bệnh do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra và lây qua vết cắn của bọ chét bị nhiễm bệnh.
Loại vi khuẩn này có khả năng phát triển với tốc độ và số lượng rất nhanh trong các cơ quan bên trong cơ thể vật chủ, gây tình trạng rối loạn chức năng đa cơ quan và dẫn đến tử vong trong hầu hết các trường hợp. Các đợt dịch hạch tiếp theo tiếp tục trong 400 năm sau đó, một số đợt lây lan có tỉ lệ tử vong giảm.
Giới khoa học từng đặt giả thuyết cho sự giảm thiểu tỉ lệ tử vong này là con người đã có thể tiến hóa thích nghi di truyền để chống lại vi khuẩn. Sau nhiều thập niên nghiên cứu, cuối cùng các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng chứng minh giả thuyết đó.
Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature hôm 19-10. Theo đó, nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phân tích 206 mẫu DNA của những người sống trước, trong và sau đại dịch "Cái chết đen" ở Anh và Đan Mạch. Họ tìm thấy bằng chứng về sự xuất hiện biến thể của một số gene nhất định. Có sự khác biệt rõ ràng về tần suất của các biến thể này trong các quần thể người trước và sau đại dịch thế kỷ 14.
Ít nhất bốn biến thể di truyền đã được xác định xuất hiện nhiều trong các nhóm người sau bệnh dịch. Nhóm người trước thời kỳ đại dịch cũng có bốn biến thể này nhưng ở tần số ít. Đặc biệt, một trong những biến thể sau đại dịch đã có thể kiểm soát Yersinia pestis trong các thí nghiệm với các tế bào bạch cầu.
Theo nhà khoa học Javier Pizarro-Cerdá (Viện Pasteur, Paris, Pháp - thành viên nhóm nghiên cứu), trong nhiều trường hợp tiến hóa, chọn lọc tự nhiên sẽ tác động lên một biến thể di truyền mới được hình thành. Biến thể này có thể mất nhiều thế hệ để lan truyền trong quần thể.
Nhưng trong trường hợp "dưới sự tác động của đại dịch hạch", việc lựa chọn tự nhiên đã không tác động đến biến thể mới xuất hiện mà tác động trên chính biến thể đã có trước đó, nhưng điều đó trở nên có lợi khi Yersinia pestis xuất hiện.
Các biến thể gene này tạo ra một số lượng đề kháng nhất định đối với vi khuẩn Yersinia pestis và đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn chống lại mầm bệnh.
Đặc biệt, các nhà khoa học còn phát hiện thêm các biến thể này cũng làm tăng khả năng phát triển các bệnh tự miễn khác. Chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và bệnh rối loạn tiêu hóa. Nói cách khác, nó có thể dẫn đến một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Phát hiện mới này đặt ra câu hỏi về tác động của đại dịch COVID-19 và tương lai đối với sự tiến hóa của loài người. Đại dịch có để lại ảnh hưởng lâu dài đến hệ gene của con người hay không sẽ phụ thuộc vào độ tuổi chịu tác động mạnh nhất sau khi nhiễm bệnh.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/con-nguoi-tien-hoa-hon-sau-cai-chet-den-a15007.html