2 yếu tố nguy cơ chính liên quan tới ung thư phổi
Nam bệnh nhân 51 tuổi tới Bệnh viện Bạch Mai khám trong tình trạng ho và đau nhức cánh tay phải. Bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị. Đặc biệt, bệnh nhân có thói quen hút thuốc lào, thuốc lá hơn 40 năm.
3 tháng trước khi đi khám, bệnh nhân có bị đau mỏi vai, cổ, cánh tay phải nhưng bệnh nhân chỉ nghĩ do làm việc vất vả đau dây thần kinh nên không đi khám. Khi có triệu chứng ho nhiều, tình trạng đau nhức gia tăng, bệnh nhân mới tới bệnh viện khám.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính vùng ngực phát hiện ung thư phổi giai đoạn 4. Bệnh nhân có nhiều hạch, di căn xương.
Ung thư phổi, ảnh minh hoạ.
Bác sĩ Đào Mạnh Phương, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân đã di căn xương nên có triệu chứng đau nhiều. Bệnh nhân có tự dùng thuốc giảm đau tại nhà nhưng không hiệu quả. Khi khối u phổi phát triển gây chèn ép bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau tức ngực, ho nhiều…
Theo bác sĩ Phương, đối với trường hợp bệnh nhân kể trên, do ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn và đã di căn nên mục tiêu điều trị phù hợp là kéo dài được thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết ung thư phổi là một bệnh lý ác tính xuất phát từ sự tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào trong nhu mô phổi.
Ung thư phổi thường diễn biến rất âm thầm ở giai đoạn sớm, bệnh nhân hầu như không có biểu hiện lâm sàng. Đa số các trường hợp phát hiện sớm là do khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám các bệnh lý khác tình cờ phát hiện ra.
Bác sĩ cho biết triệu chứng thường gặp là ho, chiếm khoảng 50% - 75% trường hợp. Một số bệnh nhân sẽ ho ra máu nếu khối u gần với phế quản.
Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ung thư phổi nhưng có những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Tại Việt Nam, có 2 yếu tố nguy cơ chính có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi là khói thuốc lá và ô nhiễm không khí.
Theo bác sĩ Đồng, thói quen hút thuốc lá được coi là yếu tố nguy cơ chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Ngay cả những người hút thuốc lá thụ động cũng tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20%.
Những người không hút thuốc nhưng được chẩn đoán mắc ung thư phổi thường là nữ giới và người trẻ tuổi có liên quan đến các đột biến gen.
Ô nhiễm không khí, làm việc trong môi trường độc hại nhưng không được bảo hộ tốt cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Bác sĩ Đồng cho biết ung thư phổi chia làm hai dạng chính là ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm 85%. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ là một trong những bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam, đứng thứ hai về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong (sau ung thư gan).
Điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, bệnh nhân được điều trị đích, điều trị miễn dịch... để kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ung thư phổi liên quan tới yếu tố di truyền
Theo bác sĩ Đồng, khoảng 8% các trường hợp ung thư phổi là ung thư phổi di truyền. Do vậy, khi có 5 dấu hiệu sau mọi người cần nghĩ tới ung thư di truyền (ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng):
- Nhiều thành viên trong gia đình cùng mắc một loại ung thư (nhất là những bệnh ung thư ít gặp).
- Ung thư ở độ tuổi trẻ hơn bình thường (như ung thư đại trực tràng ở tuổi 20).
- Một người mắc nhiều hơn 1 loại ung thư (ví dụ như một phụ nữ cùng bị ung thư vú và ung thư buồng trứng).
- Ung thư ở cả hai cặp cơ quan (như cả hai mắt, 2 bên thận hoặc hai bên vú).
- Ung thư ở nhiều thế hệ (như ở ông, cha và con trai).
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 lần/năm, chụp phim phổi thường quy hoặc chụp cắt lớp vi tính liều thấp để phát hiện các bất thường trên phổi. Nếu có các triệu chứng bất thường về hô hấp như ho, khó thở, khạc đờm, mọi người cần đến bệnh viện để thăm khám.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/dau-vai-co-di-kham-phat-hien-ung-thu-phoi-bac-si-canh-bao-thoi-quen-nhanh-den-gan-ung-thu-a15117.html