Vụ thâu tóm Twitter của ông Musk, chủ sở hữu hai công ty "tỉ đô" - Hãng xe điện Tesla và Công ty vận tải vũ trụ SpaceX, được giới quan sát đặc biệt quan tâm vì tính chất không thể dự đoán và phi tiền lệ của nó.
Cải tổ lập tức
Twitter đặt trụ sở chính tại TP San Francisco, bang California (Mỹ), hiện có hơn 7.500 nhân viên. Thời gian qua công ty này đã gặp những khó khăn nhất định trong việc thúc đẩy doanh thu quảng cáo online và thu hút thêm người dùng mới.
Ông Musk từng cam kết sẽ tiến hành những thay đổi lớn tại Twitter, trong đó có mục tiêu theo đuổi các giải pháp mới để kiếm tiền.
Ngay sau khi thâu tóm thành công, theo báo Financial Times, ông Musk lập tức sa thải hai lãnh đạo cấp cao nhất của Twitter gồm giám đốc điều hành Parag Agrawal và giám đốc tài chính Ned Segal.
Cùng "ra đi" trong đợt "dọn dẹp" này còn có bà Vijaya Gadde - giám đốc phụ trách pháp lý, chính sách và an ninh cùng luật sư cố vấn chính Sean Edgett của Twitter.
Việc ông Parag Agrawal ra đi không gây bất ngờ vì từng bị tỉ phú Musk cáo buộc "thiên vị cánh tả" khi góp phần kích động làn sóng thù hận chủng tộc và quấy rối trên Twitter.
Trước đây ông chủ Công ty SpaceX đã cam kết sẽ cắt giảm bớt nhân sự cũng như chi phí tại Twitter, đồng thời tập trung cho những giải pháp đổi mới sáng tạo để xây dựng mạng xã hội này thành một "super app" (siêu ứng dụng) có thể tích hợp các giải pháp thanh toán, thương mại và nhắn tin.
Ngày 26-10, Elon Musk "đánh tiếng" hoàn tất thương vụ khi đổi mô tả chức vụ là "ông chủ Twitter" ("Chief Twit") trên tài khoản Twitter của mình. Ông cũng đã tới thăm văn phòng Twitter tại San Francisco, gặp gỡ các nhân viên.
Ngay trong buổi này, ông đã trấn an đội ngũ khi khẳng định không có ý định cắt giảm 75% số nhân sự như thông tin lan truyền trước đó.
Với các đối tác quảng cáo (lĩnh vực chiếm phần lớn trong tổng doanh thu thường niên khoảng 5 tỉ USD của Twitter), ông Musk khẳng định Twitter sẽ không trở thành chỗ "miễn phí cho tất cả", và "khao khát trở thành nền tảng quảng cáo được ngưỡng mộ nhất trên thế giới".
Còn nhiều câu hỏi
Trong ngày đầu tiên chính thức sở hữu Twitter, chưa có gì rõ ràng cho thấy tỉ phú Elon Musk dự định sẽ phát triển mạng xã hội này theo hướng nào. Thực tế, vì là chủ sở hữu duy nhất tại Twitter nên ông Musk không cần phải định kỳ trả lời chất vấn của cổ đông về chiến lược phát triển công ty.
Tỉ phú 51 tuổi sẽ được toàn quyền tiến hành những cải tổ mà không phải công khai hoạt động của Twitter ít nhất trong vài tháng, và cũng sẽ tránh được những săm soi của dư luận. Cho tới thời điểm bài viết này, ông Musk chưa phản hồi bất cứ báo, đài nào về kế hoạch phát triển Twitter của ông.
"Lịch sử quan hệ" giữa ông Musk với Twitter gắn với nhiều xôn xao và tranh cãi trong quá khứ. Thương vụ hoàn tất đã giúp ông Musk - tỉ phú tự mô tả mình là "người theo chủ nghĩa chuyên chế về tự do ngôn luận" - ngồi vào cương vị kiểm soát một nền tảng mạng xã hội vốn rất phổ biến trong giới chính trị gia và cũng là kênh tin tức được hàng triệu người sử dụng.
Trong thư ngỏ ngày 27-10, ông Musk nói lý do khiến ông mua lại Twitter vì muốn có một diễn đàn tự do ngôn luận chung cho mọi người, để mọi quan điểm, niềm tin đều có thể được thảo luận lành mạnh mà không cần dùng tới bạo lực.
Ông Musk từng cam kết sẽ nới lỏng các quy định kiểm soát nội dung tên Twitter, trong đó có việc đảo ngược các lệnh cấm vĩnh viễn với một số tài khoản. Bởi thế mà dân mạng xôn xao bàn tán không biết cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có được trở lại hoạt động trên mạng xã hội ông ấy rất yêu thích không.
Tài khoản của ông Trump từng bị đình chỉ vô thời hạn sau khi những người ủng hộ ông xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ và gây náo loạn trong ngày 6-1-2021.
Dù vậy, dường như lúc này chưa chuyên gia nào dám xác quyết về những gì sẽ diễn ra trong cách vận hành và phát triển của Twitter. Giới truyền thông Mỹ, đặc biệt các chuyên trang công nghệ lớn như TechCrunch, cho rằng sự kết thúc một vụ việc rùm beng kéo dài nhiều tháng này chỉ là khởi đầu cho một chương mới của sự thiếu chắc chắn tại Twitter.
Nó cũng làm dấy lên cả triệu câu hỏi về nền tảng mạng xã hội này, ví như giá trị thực sự của nó là gì, sứ mệnh hoạt động của nó ra sao, và quan trọng nhất, ông Musk định làm gì với nó.
Hai "bài kiểm tra" trước mắt
Cách tiếp cận mở với tự do ngôn luận của ông Musk trên Twitter được nhận định có thể sẽ thổi bùng lên những vấn đề tranh cãi dai dẳng lâu nay về các nội dung độc hại cũng như việc lan truyền tin giả, thông tin thất thiệt trên mạng xã hội, trong đó có Twitter.
Có lẽ không cần đợi lâu nữa, chỉ vài ngày tới đây thôi, khi Twitter, dưới sự điều hành của ông chủ mới Elon Musk, sẽ đối mặt với những bài kiểm tra đầu tiên với hai sự kiện chính trị gần nhất.
Một là việc Brazil bầu tổng thống và hai là các cử tri Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8-11. Twitter từng cam kết sẽ cấm mọi thông tin gây nhiễu loạn về việc bỏ phiếu cũng như kết quả bầu cử, nhưng đó là trước khi ông Musk sở hữu mạng xã hội này.
"Tới một mức độ nào đó mà các nhà lãnh đạo thế giới thấy rằng họ có không gian này và nó không bị kiểm duyệt, họ có thể dấn tới để xem có thể tiến xa hơn tới mức nào", ông David Kaye, giáo sư luật tại ĐH California, Irvine, bình luận với New York Times về sự lãnh đạo của ông Musk tại Twitter.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/ti-phu-elon-musk-don-dep-twitter-a15360.html