Riêng ở Việt Nam, ung thư gan xếp vị trí thứ 4 trong bậc thang xếp loại các bệnh nan y.
Cấu trúc và chức năng
Gan là một bộ phận của đường tiêu hóa. Nó là một tạng lớn nhất trong cơ thể con người. Ngoài vai trò chính là sản xuất ra dịch mật tiêu hóa thức ăn, gan còn được ví như là một nhà máy hóa chất thu nhỏ, nhờ khả năng tiếp nhận và xử lý các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể. Bên cạnh đó, gan còn đảm nhận một số chức năng quan trọng khác liên quan đến các phản ứng rất phức tạp về hóa sinh học và chuyển hóa trong cơ cơ thể con người.
Tế bào gan có cấu tạo đặc biệt như là tế bào mầm, vì có khả năng tự phân chia và nhân đôi. Nhờ đặc điểm đặc biệt này mà gan có khả năng tái sinh nếu bị mất một phần trọng lượng. Các nghiên cứu cho thấy, khả năng tái tạo của gan có thể đạt đến mức 25% trọng lượng của gan, nghĩa là tự tái tạo đến 1/4 lá gan.
Mật được tế bào gan tiết ra và tập trung ở hệ thống các ống nhỏ chằng chịt gọi là tiểu quản mật. Tiểu quản mật hợp nguồn tạo thành ống mật. Có các ống mật gan trái và ống mật gan phải. Hai ống mật này hợp thành một ống mật lớn hơn gọi là ống gan chung.
Một đoạn ngắn gọi là ống cổ túi mật nối túi mật với ống gan chung tạo ra ống mật chủ. Lượng mật do gan tiết ra nếu chưa sử dụng hoặc thừa trong quá trình tiêu hóa sẽ được "cất giữ" trong túi mật.
Tế bào gan là đơn vị đảm nhận việc thực hiện chức năng gan. Các chức năng gan bao gồm: Tiết dịch mật tiêu hóa mỡ (lipid); Chuyển hóa đạm (protein); Chuyển hóa amonia thành urea; Chuyển hóa mỡ (lipid) qua việc tổng hợp các cholesterol và chế tạo ra triglyceride; Chuyển hóa carbonhydrates qua việc tổng hợp glucose (đường), phân giải glucogen thành glucose hoặc tổng hợp glocogen từ glucose.
Ngoài ra, tế bào gan còn thực hiện tổng hợp các yếu tố đông máu, giáng hóa hemoglobin, insuline và các hormone khác.
Gan là kho dự trữ glucose (dưới dạng glucogen), vitamine B12, sắt (Fe) và đồng (Cu). Gan tạo hồng cầu chính cho thai nhi trong 3 tháng đầu tiên. Gan còn tham gia quá trình miễn dịch cơ thể qua hệ thống lưới nội mô bắt giữ tất cả các kháng nguyên xâm nhập cơ thể và lạc bước vào… gan.
Nguyên nhân gây ung thư
Nguyên nhân gây ra ung thư gan cho đến nay vẫn chưa được biết một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ung thư gan như sau:
- Viêm gan B và C mạn tính, xơ gan (đa số do rượu).
- Người bệnh đái tháo đường.
- Người tiếp xúc với độc chất (như Vinyl chloride dùng trong việc chế tạo plastic, Arsenic nhiễm trong nước uống...)
- Nghiện hút thuốc lá.
Các biểu hiện thường gặp
Vàng da ở tay báo hiệu bệnh gan.
Các biểu hiện thường thấy ở người bị ung thư gan là mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân, ăn uống kém ngon, buồn nôn, sốt, đau bụng, dễ chảy máu hay dễ bị các vết tím bầm, vàng da, bụng báng, nước tiểu sẫm màu. Bệnh ở giai đoạn cuối thì lú lẫn và hôn mê.
Các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ ung thư gan, người bệnh thường được cho làm xét nghiệm máu AFP (Alpha fetoprotein). Tuy đây chưa là yếu tố quyết định cuối cùng, nhưng có đến 70% người bị ung thư gan có AFP trong máu cao.
Siêu âm, chụp X quang, nội soi (Laparoscopy), chụp mạch (Angiography), chụp CT (Computic Tomography: Chụp cắt lớp điện toán), chụp MRI (Magnetic Resonance Imaging: Chụp cộng hưởng từ) cũng có nhiều hữu ích trong việc chẩn đoán xác định.
Sinh thiết gan (Biopsy: Chọc kim vào khối u để lấy mẫu xét nghiệm) là bằng chứng chắc chắn nhất cho cái "bản án" không mong đợi này.
Hướng điều trị bệnh
Việc điều trị ung thư gan nói chung là rất khó khăn. Bởi bệnh nhân thường được phát hiện trong giai đoạn muộn. Khả năng sống của bệnh nhân ung thư gan tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Các trường hợp ung thư gan đã di căn tiên lượng rất xấu. Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật thành công (chỉ với tỉ lệ 10 - 20%) cho tiên lượng tốt, nhưng nếu phẫu thuật thất bại bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng 3 - 6 tháng. Sự thất bại trong phẫu thuật là do tế bào gan bị huỷ hoại và tổ chức gan bị xơ.
Hóa trị và xạ trị cho kết quả hạn chế. Ghép gan cho kết quả tốt ở các trường hợp chưa di căn, nhưng kỹ thuật phức tạp, giá thành cao "chóng mặt", nguồn gan ghép cực hiếm.
Trong những năm gần đây, một số phương pháp điều trị mới được thử nghiệm như kỹ thuật đông lạnh bằng hóa chất (bơm hóa chất vào khối u), phương pháp SIRT (Selective Internal Radiation Therapy: Phương pháp tia xạ có chọn lọc - dùng tia sóng cao tần "đánh" trực tiếp vào khối u mà không làm thương tổn các tổ chức xung quanh) đã mở ra nhiều triển vọng trong việc chiến đấu với Tử thần giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Lời khuyên phòng bệnh
Để tránh một "bản án tử hình" với căn bệnh ung thư gan thì phòng bệnh vẫn là phương pháp... rẻ tiền và hiệu quả nhất.
Điều quan trọng là hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ kể trên như bỏ rượu, thuốc lá, sử dụng nguồn nước sạch, tránh tiếp xúc với hoá chất độc hại, phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả bệnh đái tháo đường và nhất là các bệnh viêm gan. Tiêm phòng vắc-xin viêm gan các loại và thăm khám sức khỏe định kỳ.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/cach-phong-tranh-ung-thu-gan-a1550.html