Theo bác sĩ CKI Đào Thị Yến Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, qua các cuộc trò chuyện với bệnh nhân, bà nhận thấy rất nhiều người đang đổ oan cho thực phẩm gây ảnh hưởng cơ thể, ví như "ăn món này, thứ kia gây nóng trong người".
"Nhiều người cho rằng biểu hiện của 'nóng trong người' là ruột, gan sôi, bứt rứt, khó chịu, dễ quạu, khó ngủ... Không ít trường hợp bị mụn nhọt, lở loét miệng lưỡi hay táo bón... đều đổ thừa ăn uống. Sự quy kết này dựa trên kinh nghiệm cá nhân, đôi khi phiến diện, chứ chưa được kiểm chứng rõ ràng. Nếu dùng thực phẩm vừa đủ, hợp lý sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe ", bác sĩ Yến Thủy nói.
Các chuyên gia dinh dưỡng tiết lộ ba ý nhằm bảo vệ quan điểm "thực phẩm không hẳn là nguyên nhân gây nóng":
Thực phẩm có tính nhiệt nhưng chưa hẳn gây nóng
Theo quan niệm Đông y, thực phẩm có tính nhiệt gồm: các loại thịt đỏ, gia vị cay (tiêu, gừng, tỏi, ớt); trái cây có vị ngọt (sầu riêng, nhãn, vải), thức ăn nhiều dầu mỡ... Trong bữa ăn, nên trung hòa các món nhiệt bằng cách phối hợp chúng với nhóm tính hàn như rau xanh, động vật dưới nước, hải sản, vịt, ếch, ốc...
Bác sĩ Yến Thủy cho biết nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là ăn uống đa dạng các nhóm chất, không kiêng khem và không sử dụng quá nhiều, liên tục một loại thực phẩm.
Bác sĩ cũng lấy ví dụ thực tế: có người ăn mì gói, sầu riêng, nhãn... nhưng không bị nóng trong người, trong khi vài trường hợp kiêng khem đủ thứ vẫn bị mụn nhọt hay táo bón.
"Quan trọng là cân đối lượng thực phẩm nhiệt, ăn kèm với nhóm tính hàn. Bữa ăn phải đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng và không quên nguyên tắc: 'dĩa thức ăn lý tưởng' là lượng rau, trái cây cần chiếm 50%, 25% là chất bột đường và 25% thực phẩm giàu đạm. Ngoài ra nên bổ sung thêm hai ly sữa mỗi ngày", bác sĩ Yến Thủy cho hay.
Nóng có tính truyền miệng, thiếu căn cứ khoa học
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - nhấn mạnh quan điểm trên là sai lầm, thiếu căn cứ khoa học. Thực tế, thực phẩm gây nóng không đơn thuần dựa vào cảm giác cay, nóng tại vị giác, khứu giác, tiêu hóa... mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm: thể trạng, tình trạng chuyển hóa, bệnh tật cũng như thành phần dinh dưỡng của món ăn đó.
Bác sĩ Lâm tiết lộ theo Tây y, trong khoa học dinh dưỡng không có khái niệm thực phẩm nóng, mà gồm 4 nhóm chất dinh dưỡng tương ứng là: bột đường (carbohydrate), đạm (protein), béo (lipid), vitamin và khoáng chất.
Các biểu hiện nóng trong người dân gian thường mô tả như ợ nóng, táo bón, nổi mụn, nhiệt miệng, hay cáu gắt, có cảm giác nóng người sau ăn... theo Tây y, có thể là triệu chứng của tình trạng tăng chuyển hóa, bệnh lý hoặc nguyên nhân đến từ nhiều vấn đề.
Nóng do nhiều nguyên nhân
Bác sĩ Nguyễn Thị Đan Thanh - giảng viên Đại học Y Phạm Ngọc Thạch lý giải nóng là khái niệm gắn liền với y học cổ truyền, chỉ tình trạng thường gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, biểu hiện dưới nhiều hình thức như nhiệt miệng, phát ban, tiểu ít, môi khô nứt nẻ...
Nguyên nhân gây tình trạng này có thể là ứ trệ, quá nhiều chất bã, chất trung gian sinh ra trong quá trình chuyển hóa khi nạp quá nhiều một loại thực phẩm trong thời gian dài hoặc sau các bữa ăn thịnh soạn.
"Khi đó, gan, thận - hai cơ quan chuyển hóa và thải độc chính của cơ thể - bị quá tải hoặc suy yếu. Các chất độc tích tụ lại trong cơ thể là môi trường thuận lợi phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa và nóng trong người...", chuyên gia nhấn mạnh.
Theo quan điểm y học hiện đại, một số trường hợp bị nóng trong người có thể cảm giác nóng toàn bộ cơ thể hay một bộ phận nào đó. Nguyên nhân phổ biến là chế độ ăn mất cân bằng, hút thuốc, uống nhiều rượu bia, dùng chất kích thích (đồ uống hay thực phẩm chứa caffeine), thực phẩm chức năng, thuốc hay yếu tố bệnh lý...
Do đó, bác sĩ Đan Thanh nhận định không thể quy kết một thực phẩm riêng lẻ là nguyên nhân gây nóng như nhiều người vẫn nghĩ.
Hiếu Châu
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/bac-si-dinh-duong-can-an-uong-da-dang-nhom-chat-a16049.html