Khi một chiếc máy bay gặp nạn, sau khi xác nhận được con số thương vong, người ta sẽ để mắt tìm chiếc hộp đen ghi lại toàn bộ dữ liệu liên quan tới chuyến bay. Lưu giữ thông số máy bay ngay trước thời điểm gặp nạn cũng như những lời cuối của phi hành đoàn gửi cho nhau, chiếc hộp đen tối quan trọng thường ẩn mình nhiều ngày trước khi được tìm thấy.
Thực tế, “hộp đen” chỉ là cái tên được sử dụng đại trà, chứ vẻ ngoài của chiếc hộp không đen đúa chút nào. Hộp đen thường được đặt ở đuôi máy bay, là địa điểm cho hộp đen tỷ lệ sống sót cao nhất.
Vẻ ngoài màu vàng cam của hộp đen giúp nó tách biệt khỏi phần còn lại của xác máy bay.
Một máy bay thường có tới hai hộp đen: một lưu lại dữ liệu bay như tốc độ hay độ cao, và một lưu giữ những thông tin cụ thể như hiệu năng động cơ, quy trình điều khiển khi bay và các cuộc trao đổi giữa phi công trong buồng lái. Theo quy chuẩn, mỗi hộp đen phải chứa ít nhất dữ liệu của 25 giờ bay, bên cạnh 2 tiếng đàm thoại giữa các thành viên phi hành đoàn trong buồng lái.
Chúng là kho dữ liệu giúp các nhà điều tra xâu chuỗi những sự việc diễn ra trước tai nạn, xem liệu phi công có nhận ra dấu hiệu cho thấy tai nạn sắp diễn ra, và đã cố gắng khắc phục như thế nào.
Thiết kế hộp đen
Để bảo vệ các bảng mạch lưu giữ thông tin, hộp đen được bọc trong một lớp nhôm mỏng, rồi đặt trong một lớp cách nhiệt dày khoảng 2,5cm. Sau đó, toàn bộ cấu trúc được đặt vào một hộp chứa chống ăn mòn, được làm từ thép không gỉ hoặc titan.
Về cơ bản, chiếc hộp đen gần như miễn nhiễm tác động từ va đập, chống được lửa và nước.
Trong bài thử, hộp đen phải chịu được gia tốc 3.400 G*, tương đương với sức va đập của một vật thể bay ở tốc độ 500 km/h. Nó còn phải chịu được sức nóng hơn 1.000 độ C trong vòng một giờ.
*Gấp khoảng 3.400 lần gia tốc trọng trường Trái Đất là 9,81 m/s; còn người chỉ có thể chịu tới giới hạn 9 m/s.
Thiết kế chống chịu không chỉ bảo bọc lấy bảng mạch lưu trữ dữ liệu. Bên trong hộp đen còn là máy phát tín hiệu với khả năng phát sóng 1 lần/giây, hoạt động được ở độ sâu 6.000 mét trong vòng 30 ngày. Sóng của hộp đen có thể vươn tới bán kính 24 km, nhưng nhiều khi, từng đó là chưa đủ để đội tìm kiếm dễ dàng xác định vị trí hộp đen. Hơn nữa, bộ phát sóng có thể hư hại trong trường hợp va chạm cực mạnh.
Hộp đen có thể bị phá hủy không?
Theo lời Scott Hamilton, giám đốc công ty tư vấn hàng không Leeham Co., việc hộp đen bị phá hủy “là cực kỳ hiếm có”. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành hàng không, ông nhận định hiệu năng hộp đen hiệu quả hơn vẻ ngoài của nó nhiều. Ông không nhớ bất kỳ vụ tai nạn nào chứng kiến cả hai hộp đen đều bị phá hủy, tới mức không thu thập được dữ liệu.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xấu từng xảy ra. Nhóm tìm kiếm đã không thể xác định được vị trí hộp đen, có khi các nhà điều tra có được dữ liệu bay, nhưng bảng mạch lưu các đoạn hội thoại của phi công đã nóng chảy trước nhiệt độ khổng lồ của đám cháy.
Đã có nhiều nhận định cho rằng hộp đen nên truyền dữ liệu tới một thiết bị lưu trữ khác, nhưng vẫn chưa hãng hàng không tuyên bố áp dụng công nghệ đã đang sẵn có cho những chiếc máy bay của mình.
https://genk.vn/hop-den-may-bay-co-the-bi-pha-huy-trong-mot-vu-tai-nan-khong-20220327125302466.chn
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/hop-den-may-bay-co-the-bi-pha-huy-trong-mot-vu-tai-nan-khong-a1629.html