Ngọc Anh (22 tuổi, ngụ quận 3) nặng 60 kg, cao 157 cm, xét nghiệm máu cho thấy lượng cholesterol và acid uric cao, bác sĩ cảnh báo cô có nguy cơ bị gout và các bệnh chuyển hóa. Thử qua nhiều chế độ ăn kiêng như eat clean, keto song không hiệu quả, đợt này, Ngọc Anh quyết định theo đuổi phương pháp nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting - IF). Sau 7 ngày thực hiện, chỉ dùng nước lọc và trà, cô gái giảm được 4,5 kg.
Intermittent Fasting là chế độ luân phiên giữa khung giờ hoàn toàn không ăn gì và ăn uống bình thường. Các phương pháp nhịn ăn gián đoạn phổ biến nhất gồm: nhịn cách ngày, nhịn nhiều ngày với tần suất cụ thể hoặc nhịn trong một thời gian cố định (ăn 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại)
Cách của Ngọc Anh là nhịn ăn nhiều ngày. Đạt hiệu quả giảm cân nhanh, lượng chất béo tốt trong cơ thể cũng tăng lên nhưng theo cô, "7 ngày nhịn ăn quá dài, không phù hợp với tính chất công việc, khiến cơ thể bị mất sức". Theo đó, trong ba ngày đầu, Ngọc Anh thường cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, thiếu nặng lượng và đau dạ dày. Đến ngày thứ 4, cơ thể cô mới thích nghi và có thể tập trung vào công việc.
Ngọc Anh là một trong nhiều người chọn phương pháp giảm cân nhịn ăn gián đoạn trong thời gian gần đây. Trên mạng xã hội, Intermittent Fasting được nhiều người tham gia với các nhóm như Nhịn Ăn Cách Ngày ADF - Alternate Day Fasting 9.800 thành viên; Intermittent Fasting Training VN - Nhịn ăn gián đoạn kết hợp tập luyện với 36.000 thành viên; nhóm16:8 18:6 20:4 Intermittent Fasting Support có 47.000 thành viên...
Trong phương pháp trên, nhịn ăn trong khung thời gian cố định được nhiều người chọn. Như Nguyễn Cam (24 tuổi, trú quận Tân Bình) duy trì ăn gián đoạn 20/4, tức nhịn 20 tiếng, ăn bốn tiếng cố định trong ngày và giảm được 8 kg sau hai tháng.
"Với cách ăn trên, tôi không phải đau đầu tính toán lượng thực phẩm nạp vào cơ thể, không phải khổ sở tuyệt giao những món ăn mình thích", Cam nói và thêm rằng, chế độ ăn này thích hợp với người có công việc bận rộn, không có thời gian lên thực đơn và nấu nướng như cách ăn keto hay eat clean.
Theo Cam, sau khi vượt qua giai đoạn mệt mỏi ban đầu, cơ thể cô dần khỏe khoắn, da dẻ mịn màng, tươi sáng. So với loại thuốc giảm cân từng dùng khiến người nặng nề, chóng mặt, cô cho rằng nhịn ăn gián đoạn giúp cải thiện sức khỏe, trong khi một số bạn của cô bị rụng tóc, mất kinh do ăn sai cách, ăn ít hoặc ăn không đủ chất. Khi áp dụng phương pháp này, bằng kinh nghiệm bản thân, Cam khuyên mọi người ăn cơm bình thường với gia đình để bổ sung đủ chất và hạn chế ăn vặt.
Cảnh báo về nhược điểm của nhịn ăn gián đoạn, tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, khuyến cáo người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú, người bệnh tiểu đường đang dùng thuốc, người bị rối loạn co giật hoặc lao động nặng không nên nhịn ăn gián đoạn. Việc hạn chế lượng thức ăn dung nạp có thể gây ra tình trạng rối loạn ăn uống. Không ăn đủ calo mỗi ngày phù hợp với nhu cầu của bản thân có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, chuyên gia cảnh báo mọi người dễ tăng cân vì nhịn đói trong thời gian dài khiến họ ăn uống vô độ sau đó. Một số trường hợp có thể cảm thấy cáu kỉnh hay bị rối loạn tâm trạng vì lượng đường trong máu thấp.
"Người mới nhịn ăn gián đoạn sẽ rất đói và mệt mỏi, về lâu dài có thể giảm lượng đường huyết, đau đầu, choáng váng và buồn nôn", bác sĩ Sơn cảnh báo, lưu ý khi áp dụng phương pháp này, người ăn nên bổ sung trái cây, rau xanh, uống nhiều nước và tránh thực phẩm nhiều muối. Chế độ ăn giàu protein như thịt gia cầm nạc, đậu và các loại hạt sẽ giúp người nhịn ăn gián đoạn duy trì lượng cơ bắp, cảm thấy no lâu hơn.
"Chọn thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, cắt giảm lượng calo có kiểm soát, đồng thời ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng và tập luyện thể thao đều đặn là những biện pháp giảm cân vẫn đảm bảo sức khỏe", bác sĩ Sơn nói.
Mỹ Ý - Hải Hà
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nhuoc-diem-cua-phuong-phap-giam-can-nhin-an-gian-doan-a17676.html