Một tổ chức môi trường tại Scotland mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu, cho thấy sự tồn tại của số lượng lớn các hạt nhựa này tại nhiều bãi biển trên toàn cầu. Thực tế này đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.
Trung bình, để sản xuất 1 chai nhựa nhỏ cần khoảng 600 hạt nhựa. Mỗi hạt nhựa tương đương 1 hạt đậu, có kích thước từ 1-5mm. Kích thước này giúp chúng được vận chuyển, nung chảy và tạo hình thành các sản phẩm nhựa một cách dễ dàng hơn. Và cũng bởi nhỏ như vậy, chúng có thể bị lọt ra ngoài trong quá trình vận chuyển và xử lý, và chẳng khó khăn gì thâm nhập vào môi trường nước, với số lượng lên tới hàng tỉ hạt.
Tròn, nhỏ, lấp lánh, chúng được ví là "những giọt nước mắt của nàng tiên cá", thường được các sinh vật biển lầm tưởng là miếng mồi hấp dẫn và vô tình ăn phải, từ đó có thể xâm nhập vào cá và cuối cùng là cơ thể con người qua chuỗi thức ăn.
Chị Megan Kirton - Tổ chức môi trường Fidra, Scotland cho biết: "Độc chất hóa học có thể bám lâu dài trên bề mặt hạt nhựa. Các sinh vật biển như cá, rùa… một khi ăn phải sẽ mang theo những độc chất đó đi khắp thế giới".
Một trong những vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trên bề mặt hạt nhựa là E.coli gây ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, chúng hiện chưa được phân loại là chất gây ô nhiễm biển, khiến việc xử lý chưa đủ nghiêm ngặt và chặt chẽ, trong khi hạt nhựa xuất hiện ngày càng nhiều tại các đại dương.
Nghiên cứu do Tổ chức môi trường Fidra của Scotland tiến hành cho thấy, hạt nhựa hiện hữu tại 90%, tức là hầu khắp 317 địa điểm tại 23 quốc gia được khảo sát. Nơi duy nhất chưa phát hiện thấy hạt nhựa là Indonesia.
"Các hạt nhựa cần được phân loại chính thức là chất gây ô nhiễm biển để chúng được đóng gói nghiêm ngặt, dán nhãn rõ ràng, cũng như xử lý an toàn và phù hợp hơn", chị Megan Kirton nói.
Tổ chức môi trường Fidra đưa ra nhận định đáng giật mình là chưa bao giờ phát hiện thấy một số lượng hạt nhựa nhiều như vậy trên các bãi biển như hiện nay.
Nếu không có biện pháp xử lý, những hạt nhựa nhỏ xíu này sẽ gây ra tác hại to lớn cho môi trường và sức khỏe con người lẫn sinh vật biển.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nuoc-mat-nang-tien-ca-tren-cac-bai-bien-a18849.html