Việt Nam đang ở thời điểm giao mùa khi thời tiết đang chuyển dần từ nóng sang lạnh. Đây cũng là thời điểm căn bệnh “sát thủ giấu mặt” mang tên đột quỵ xuất hiện. Đột quỵ có thể lấy đi tính mạng của bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, các ca đột quỵ đang có xu hướng trẻ hoá, điều này như một hồi chuông cảnh báo với mỗi chúng ta.
Vậy, làm thế nào để phòng tránh và nhận biết căn bệnh này? Tất cả sẽ được giải đáp qua chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề “
Ảnh minh họa: Đột quỵ được chia thành 2 dạng là đột quỵ chảy máu não và đột quỵ nhồi máu não.
Hỏi: Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Thời điểm chuyển mùa và đột quỵ có mối liên hệ nào không?
Đáp: Thời tiết chuyển mùa có liên quan đến tỷ lệ đột quỵ. Tỷ lệ mắc đột quỵ thường có xu hướng tăng vào thời điểm này. Khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, cơ thể dễ xuất hiện tình trạng co thắt mạch máu. Điều này khiến những người có nguy cơ cao dễ mắc đột quỵ hơn.
Hỏi: Những ngày gần đây nơi bác sĩ công tác có ghi nhận nhiều ca đột quỵ không?
Đáp: Tại bệnh viện 108, một năm ghi nhận khoảng 3000 ca mắc đột quỵ não và khi thời tiết chuyển mùa sang thu đông, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do đột quỵ não có xu hướng tăng hơn bình thường.
Hỏi: Ai là những người có nguy cơ cao bị đột quỵ khi chuyển mùa?
Đáp: Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ chuyển mùa bao gồm:
- Người mắc huyết áp cao.
- Người mắc bệnh lý vỡ xơ mạch, hẹp mạch.
- Người cao tuổi mắc bệnh lý nền như đái tháo đường, mỡ máu,...
- Những có bất thường hoặc dị dạng mạch máu não.
Các yếu tố nguy cơ này thường xuất hiện trước đó một khoảng thời gian và khi gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết chuyển mùa, những người có nguy cơ cao sẽ dễ bị đột quỵ hơn.
Hỏi: Lối sống không khoa học có ảnh hưởng đến đột quỵ không?
Đáp: Lối sống không khoa học có thể ảnh hưởng tới tất cả tình trạng sức khỏe nói chung, bao gồm cả đột quỵ. Hiện nay, đột quỵ có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng từ môi trường sống và các thói quen không lành mạnh như ít vận động, chế độ dinh dưỡng thừa chất làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hoá. Bên cạnh đó, tỷ lệ những người mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì tăng lên cũng làm gia tăng nguy cơ mắc đột quỵ.
Hỏi: Có phải đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa? Bệnh nhân bị đột quỵ trẻ tuổi nhất mà bác sĩ từng khám là bao nhiêu tuổi?
Đáp: Các thay đổi về thói quen, chế độ sinh hoạt cùng với sự gia tăng các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì,... có thể khiến cho bệnh đột quỵ trẻ hoá.
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Ở bệnh viện 108, bệnh nhân trẻ tuổi nhất mà chúng tôi gặp là bệnh nhân 8 tuổi (đột quỵ xuất huyết não) và bệnh nhân 11 tuổi (đột quỵ nhồi máu não). Bệnh nhân dưới 45 tuổi nhập viện tại bệnh viện 108 do đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 8 - 10%. Trong đó, hơn 50% bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu não do bất thường về mạch máu não.
Ảnh minh họa: Lối sống không khoa học như ít vận động, chế độ dinh dưỡng thừa chất có thể ảnh hưởng tới tất cả tình trạng sức khỏe nói chung, bao gồm cả đột quỵ.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Hỏi: Dấu hiệu nhận biết đột quỵ là gì?
Đáp: Dấu hiệu nhận biết đột quỵ giúp chúng ta phát hiện sớm bệnh lý để tận dụng khung giờ vàng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Các dấu hiệu của đột quỵ là FAST (nhanh). Trong đó:
F (Face) là dấu hiệu liệt mặt, một bên mặt của bệnh nhân có thể bị xệ xuống, miệng bị méo.
A (Arms) là dấu hiệu ở tay, bệnh nhân có thể bị yếu hoặc liệt một bên tay, không thể cầm nắm các đồ vật.
S (Speak) là khả năng ngôn ngữ, bệnh nhân không thể nói chuyện bình thường, nói nhịu giọng, nói ngọng.
T (Time) là thời gian. Khi phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ thì cần nhanh chóng tận dụng “khung giờ vàng” đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, còn có dấu hiệu BE FAST gồm có:
B (Balance) là giữ thăng bằng, bệnh nhân mắc đột quỵ có thể mất khả năng giữ thăng bằng khi di chuyển, bị hoa mắt, chóng mặt, mất khả năng phối hợp vận động.
E (Eyes) là các vấn đề thị lực, bệnh nhân mắc đột quỵ có thể có dấu hiệu nhìn mờ, mất khả năng nhìn ở điểm bên trái hoặc bên phải.
Ảnh minh họa: Một bên tay bị yếu hoặc liệt, không thể cầm nắm các đồ vật có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ.
Hỏi: Triệu chứng đột quỵ giống với các bệnh thông thường như cảm. Vậy làm thế nào để phân biệt các triệu chứng của đột quỵ với các bệnh thông thường?
Đáp: Các triệu chứng của đột quỵ thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, người dân cần đặc biệt chú ý đến dấu hiệu mất thăng bằng, chóng mặt bất thường, đi loạng choạng, khó phối hợp tay chân vì đây là dấu hiệu dễ bị nhầm với hội chứng tiền đình.
Ngoài ra, dấu hiệu đau đầu dữ dội một cách bất thường cũng là dấu hiệu cần chú ý bởi tình trạng này thường gặp ở giới trẻ nhưng dễ bị bỏ qua. Nhiều người trẻ chủ quan chỉ nghĩ bản thân bị đau đầu do uống 1 - 2 chén rượu, do thay đổi thời tiết, do uống cà phê nên không đến viện. Điều này khiến bệnh nhân có thể bị đột tử hoặc hôn mê sâu.
Do đó, nếu các dấu hiệu trên xuất hiện kèm với tình trạng liệt mặt, yếu tay chân, nhìn mờ, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám.
Hỏi: Thời điểm vàng để cấp cứu người đột quỵ là bao lâu?
Đáp: Mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ có thời điểm vàng khác nhau. Tuy nhiên, khung giờ vàng khuyến cáo chung cho tất cả mọi người là 3 - 3.5 giờ. Bệnh nhân cần đến bệnh viện trước khung giờ này để dùng thuốc tái thông mạch máu não. Sau khung giờ vàng, các nhu mô não đã bị tổn thương và hoại tử, không thể điều trị được. Do đó, khi đã phát hiện ra các dấu hiệu của đột quỵ, mọi người nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Hỏi: Có không ít những ca đột quỵ khi đang ngủ. Vì sao lại có hiện tượng này?
Đáp: Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, ngay cả khi chúng ta đang ngủ. Đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp khi đang ngủ bởi lúc này huyết áp có xu hướng thấp hơn so với khi thức, cung lượng tim cũng thấp hơn. Huyết áp thấp và cung lượng tim thấp trên nền bệnh hẹp, vỡ xơ động mạch có thể gây thiếu máu não và dẫn tới đột quỵ.
Hỏi: Làm thế nào để nhận biết dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ khi đang ngủ?
Đáp: Rất khó để nhận biết các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ khi đang ngủ. Do đó, đối với những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người bị đột quỵ nhiều lần, gia đình không nên để bệnh nhân ở nhà một mình mà nên có người chăm sóc. Khi nhận thấy người thân có dấu hiệu bất thường như thay đổi thói quen sinh hoạt và thức dậy muộn hơn thì gia đình cần chủ động gọi bệnh nhân để xác định tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Sơ cứu và phòng ngừa đột quỵ thế nào?
Hỏi: Khi nhận thấy có dấu hiệu đột quỵ, chúng ta có thể làm gì để sơ cứu?
Đáp: Có khoảng 80% bệnh nhân bị đột quỵ có thể giữ được ý thức và nhận biết được các dấu hiệu đột quỵ, 20% bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng mất ý thức, hôn mê. Vì vậy, khi phát hiện bản thân có dấu hiệu đột quỵ, bệnh nhân có thể thông báo cho những người xung quanh, nằm nghỉ ở nơi thoáng để hạn chế ngã, va đập vào các vật dụng xung quanh.
Hỏi: Nhiều người sơ cứu bệnh nhân đột quỵ bằng cách chích máu ở đầu tay hoặc ở tai, điều này có đúng không, thưa bác sĩ?
Đáp: Khi phát hiện người thân bị đột quỵ, mọi người nên đặt bệnh nhân ở nơi thoáng mát và chờ xe cấp cứu và tận dụng các phương tiện xung quanh để đưa bệnh nhân đến viện nhanh nhất.
Ngoài ra, mọi người không nên trì hoãn đưa bệnh nhân đến viện như bấm nhân trung, chích máu 10 đầu ngón tay, hoặc tự ý cho bệnh nhân uống thuốc và chờ thuốc ngấm.
Đối với các bệnh nhân bị hôn mê kèm nôn mửa, chúng ta nên kê cao đầu cho bệnh nhân, để bệnh nhân nằm nghiêng để hạn chế thức ăn chèn vào đường thở gây suy hô hấp. Ngoài ra, nếu bệnh nhân bị co giật, chúng ta có thể cho bệnh nhân cắn giẻ để tránh cho bệnh nhân cắn vào lưỡi.
Ảnh minh họa: Đối với các bệnh nhân bị hôn mê kèm nôn mửa, chúng ta nên kê cao đầu cho bệnh nhân, để bệnh nhân nằm nghiêng để hạn chế thức ăn chèn vào đường thở gây suy hô hấp.
Hỏi: Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ?
Đáp: Đột quỵ não không đột nhiên xảy ra. Thời điểm giao mùa, làm việc căng thẳng, stress tâm lý mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đột quỵ xảy ra. Đột quỵ vẫn là một quá trình bệnh lý diễn biến từ trước đó trên nền các bệnh lý như béo phì, đái tháo đường,... Do đó, cách tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ là đi khám định kỳ để điều trị sớm và kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/dot-quy-de-xay-ra-khi-thoi-tiet-chuyen-mua-chuyen-gia-chi-6-dau-hieu-nhan-biet-can-chu-y-a19112.html