Huế muốn trở thành 'kinh đô áo dài Việt Nam'

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên Huế, cho rằng cần phục hưng áo dài để phục hồi hệ thống ngành nghề liên quan.

Hội thảo Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài Việt Nam diễn ra chiều 22/12, quy tụ các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế áo dài truyền thống đến từ Hà Nội, Huế và TP HCM. Tại sự kiện, ông Phan Thanh Hải cho rằng, áo dài là một di sản đặc thù của cố đô Huế.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tại hội thảo chiều 22/12. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tại hội thảo chiều 22/12. Ảnh: Võ Thạnh

Áo dài hình thành, tồn tại và phát triển hơn 300 năm qua, gắn liền với vai trò thủ phủ Đàng Trong, và với cố đô. Áo dài đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng của xứ Huế. Ông Hải cho rằng từ hàng thế kỷ trước chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng đã biến Huế thành quê hương của áo dài, kinh đô áo dài của Việt Nam.

"Ngày nay, việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản áo dài là hết sức phù hợp, cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Phục hưng áo dài để mỗi khi nghĩ đến Huế là người ta phải nghĩ ngay đến xứ sở của áo dài, phải khát khao được đến Huế để nhìn ngắm, trải nghiệm, mặc áo dài, may áo dài cho bản thân và làm quà tặng cho bạn bè, người thân...", ông Thanh Hải phát biểu.

Trình diễn áo dài tại hội thảo chiều 22/12. Ảnh: Võ Thạnh

Trình diễn áo dài tại hội thảo chiều 22/12. Ảnh: Võ Thạnh

Để phát huy giá trị áo dài và xây dựng thương hiệu "Huế - kinh đô áo dài Việt Nam", Giám đốc Sở cho rằng cần đánh giá nghiêm túc, đầy đủ và khách quan về chiếc áo dài, nhất là áo dài nam. Phục hưng tà áo này là để phục hồi cả một hệ thống ngành nghề liên quan như tạo vùng nguyên liệu, dệt vải, nhuộm...

Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt, cũng cho rằng, đến nay chưa có văn bản nào chính thức công nhận áo dài là trang phục đại diện cho dân tộc, quy định kiểu dáng, cách sử dụng. Ông Bình cho rằng hoàn thiện thể chế cho trang phục áo dài là việc làm cấp thiết bởi sẽ giải quyết hành lang pháp lý, tháo gỡ vấn đề bản quyền, chính danh của áo dài Việt và là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam. Ông Bình cũng góp ý sớm công nhận áo dài ngũ thân cả nam và nữ là lễ phục nhà nước.

Võ Thạnh

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/hue-muon-tro-thanh-kinh-do-ao-dai-viet-nam-a19521.html