Hy hữu bệnh nhi 3 tuổi sốt cao, nguy kịch được cứu sống sau 3 tháng
Nhập viện trong tình trạng nguy kịch, gia đình từng xin về nhiều lần, nhưng các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, đưa bệnh nhi vượt qua cửa tử.
Ngày 26/12, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhi trong tình trạng sốt cao, trụy tim mạch, nguy kịch.
Gia đình từng nhiều lần xin về
Theo thông tin ban đầu, vào đầu tháng 10/2022, cháu T.H.T (3 tuổi, nhà ở Tây Ninh) được điều trị tại Khoa Hồi sức Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, cháu T. sốt cao 2 ngày, đến ngày thứ ba cháu co giật toàn thân, nhập một bệnh viện huyện trong tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch. Sau khi đặt nội khí quản, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM cấp cứu.
Lúc nhập viện cháu hôn mê, suy hô hấp được thở máy, sốc phải dùng cả vận mạch noradrenalin và adrenalin, phù não điều trị bằng mannitol, natri ưu trương và kháng sinh.
Các xét nghiệm ban đầu cho thấy bạch cầu máu tăng cao 29.000 tế bào/uL, CRP tăng 65 mg/L, procalcitonin cũng cao 3,85 ng/ml, tổn thương gan nặng với AST/ALT 2900/2500 U/L, lactate máu 3,2 mmol/L, toan hô hấp và cả chuyển hoá với pH 6,9, pCO2 90 mmHg.
Tác nhân gây bệnh là Acinetobacter sp và Influenzae type B; trong đó cúm B là tác nhân gây suy hô hấp nặng, tổn thương phổi lan tỏa, còn Acinetobacter sp là vi khuẩn kháng rất nhiều loại kháng sinh.
“Cháu bị bệnh nặng quá, đã nhiều lần gia đình xin về, vì nhìn thấy cháu bệnh quá nặng, gia đình mất dần hy vọng…
Sau 40 ngày thở máy và 10 ngày lọc máu, tổn thương đa cơ quan, trong đó tổn thương phổi nặng, PaO2/FiO2 có lúc chỉ có 0.3. Khó khăn hơn khi hỗ trợ hô hấp qua màng ngoài cơ thể (ECMO) thì không làm được do nhiểm vi khuẩn đa kháng, trong khi oxy hoá máu thì duy trì khó khăn…
Từng ngày các bác sĩ phải điều chỉnh từng chút, từng chút một,…chắt chiu từng chút cơ hội, áp dụng tất cả biện pháp hỗ trợ thông khí, hạn chế dịch, lợi tiểu, CRRT … nhằm giành lấy mạng sống cho bé...", PGS.TS/BS Phùng Thế Nguyên cho biết.
Ca cấp cứu căng thẳng
Theo các bác sĩ, sau nhiều ngày điều trị, theo dõi, đến khi tổn thương phổi cải thiện thì cũng là lúc chỉ cần ho mạnh cháu cũng có thể bị tràn khí màng phổi; 2 lần tràn khí, 2 lần đặt ống dẫn lưu khí.
Cháu cùng tất cả nhân viên y tế Khoa Hồi sức Nhiễm lại tiếp tục chiến đấu… Để cháu có sức chống chọi với bệnh, dinh dưỡng được hỗ trợ, các bác sĩ phải tính toán sao để cháu đủ chất, đủ năng lượng, có thể rút ống thở sớm nhất, tránh nhiễm khuẩn. Hành trình cứ tiếp diễn căng thẳng.
Sau đó, cháu T. từng bước hồi phục dần, từ hô hấp, chức năng gan, thận và tri giác. Ngày cháu rút ống thở có lẽ là ngày vui nhất của gia đình, của ekip bác sĩ, điều dưỡng. Để cháu trở về với sinh hoạt bình thường, cháu và gia đình cũng phải học phục hồi dần ngôn ngữ, tập vận động, khám tâm lý nhằm giúp cháu mau hồi phục về ngôn ngữ và tinh thần.
"Cuộc chiến không chỉ là của nhân viên Khoa Hồi sức Nhiễm mà còn nhiều khoa chung tay để giúp cháu cải thiện dần sức khỏe. Cháu đã vượt qua giai đoạn mà tưởng chừng không thể..., trước mắt cũng còn một đoạn đường nữa với cháu và gia đình. Mong cháu tiếp tục chiến đấu ngoan cường để hoàn toàn mạnh khỏe trong năm tới", PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên chia sẻ.