Thai phụ 39 tuổi nhập viện cấp cứu nhưng quyết kiêng mổ mùng một

Sản phụ mang thai lần 4 bị tiền sản giật có dấu hiệu nặng, trong đêm huyết áp cao vun vút... nhưng vẫn nhất quyết không chịu mổ vì hôm đó là mồng 1 đầu tháng.

Mới đây, Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, Khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, vừa qua các bác sĩ đã gặp một trường hợp khiến bác sĩ phải "bó tay" khi sản phụ nhất định chọn ngày, giờ sinh mổ cho con.

Trường hợp sản phụ 39 tuổi, mang thai lần thứ 4, có dấu hiệu tăng huyết áp từ lúc 32 tuần, được điều trị bằng thuốc hạ áp tại nhà hằng ngày. Một tuần trước, người bệnh nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tăng cao, nhịp tim thai giảm vì thiếu oxy.

"Nếu không can thiệp, bệnh nhân có nguy cơ lên cơn sản giật, vỡ mạch máu não, xuất huyết, thậm chí tử vong cho cả hai mẹ con", bác sĩ nói.

Tuy nhiên, theo lời kể bác sĩ, người phụ nữ kiên quyết không mổ do kiêng mùng một và "mặc cả" chọn giờ mổ. Tình huống nguy cấp, ê-kíp thuyết phục gia đình, cuối cùng người nhà và bệnh nhân đồng ý.

Bé gái chào đời khóc lớn, nặng 2,1 kg, bú tốt, hiện sức khỏe người mẹ ổn định.

Cũng theo BSCKI Nguyễn Trung Đạo, quan niệm chọn ngày giờ sinh của sản phụ nêu trên là hoàn toàn không đúng, điều này có thể gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và con.

"Việc chọn ngày, chọn giờ không có ý nghĩa. Hơn nữa, những ngày đẹp thường rất đông nên phòng mổ sẽ bị quá tải, bác sĩ cũng bị quá sức, điều này có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng ca mổ. Đối với bác sĩ thì ngày nào con ra đời cũng là ngày đẹp, vì thế cha mẹ không nên quá mê tín, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con", bác sĩ Đạo khuyến cáo.

Theo BSCKI Nguyễn Trung Đạo, tiền sản giật và sản giật là một bệnh lý sản khoa hay gặp ở phụ nữ mang thai, với tỷ lệ từ 2-8%. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai nhi.

Tiền sản giật là bệnh lý xảy ra trước khi thai phụ lên cơn sản giật, là tiền đề gây nên cơn sản giật. Thai phụ mắc hội chứng tiền sản giật có thể được yêu cầu mổ chủ động để lấy thai ra. Việc mổ sớm khiến thai nhi bị sinh thiếu tháng, nguy cơ suy giảm miễn dịch và viêm phổi cao.

Ngoài ra, thai nhi có mẹ bị tiền sản giật có thể chậm tăng trưởng, nhẹ cân và suy dinh dưỡng do không được cung cấp đủ dinh dưỡng trong thai kỳ.

Sản giật là biến chứng của tiền sản giật, xuất hiện cơn co giật, xảy ra ở trước, trong cơn chuyển dạ hoặc trong thời kỳ sau sinh. Sản giật thường đi kèm với hôn mê sâu, phù não và suy thận cấp. Nếu không được xử trí kịp thời, sản giật có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.

Bác sĩ khuyến cáo, để giảm nguy cơ mắc tiền sản giật, thai phụ cần khám sàng lọc khi mang thai, duy trì cân nặng và chế độ ăn hợp lý; Vận động hoặc tập thể dục phù hợp; Khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa; Tự theo dõi những thay đổi bất thường trên cơ thể trong quá trình mang thai và báo với bác sĩ nếu thấy nghi ngờ.

Mổ chủ động là phương pháp mổ "bắt con" trước khi chuyển dạ, thường được thực hiện với những trường hợp đã từng sinh mổ, khi sức khỏe mẹ bầu có vấn đề hoặc khi thai nhi có dấu hiệu suy thai, kém phát triển. Tuy nhiên, hiện nay có không ít những trường hợp mẹ bầu quyết định mổ lấy thai để chọn ngày, giờ sinh cho con.

Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Vnexpress)

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/thai-phu-39-tuoi-nhap-vien-cap-cuu-nhung-quyet-kieng-mo-mung-mot-a20132.html