Hai nguy cơ lớn khi trẻ rơi xuống ống cọc bê tông

Theo các chuyên gia, khi bị rơi xuống ống cọc bê tông, khả năng cao là trẻ bị thiếu oxy dẫn đến choáng.

Thậm chí, trẻ có thể nguy hiểm tính mạng vì đa chấn thương khi rơi tự do.

Khả năng đa chấn thương

Chia sẻ về việc bé trai rơi xuống ống cọc bê tông, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) cho biết: “Khi trẻ rơi tự do từ độ cao của tòa nhà 3 - 4 tầng trong khoảng không gian cực kỳ hẹp, chỉ 25cm, có thành lồi lõm như bên trong cọc bê tông thì khả năng bé bị đa chấn thương gãy xương là rất cao”.

Chuyên gia này lý giải, ở bờ sông nơi vị trí đóng cọc, mực nước ngầm thường cao. Do đó, dễ có nước bùn nhão tràn vào khi đóng cọc. Khả năng bé bị thiếu oxy dẫn đến choáng và nguy hiểm tính mạng rất cao khi kết hợp với đa chấn thương vì rơi tự do.

Trong khi đó, đường kính 25cm là quá hẹp để có thể làm những điều mà nhiều người tưởng tượng, như thả dây xuống cho trẻ nắm, hay thắt nút cứu hộ để bé cột vào chân.

Song, theo PGS Trần Huỳnh, những câu hỏi quan trọng cần đưa ra là: Trẻ rơi xuống tận cùng 35m hay đang kẹt ở giữa đoạn ống hẹp (có 2 ống nối nhau) và tư thế của bé lúc này là gì? Bé đưa tay lên trên đầu hay kẹt tay giữa trụ bê tông?

Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) nhận định, cọc bê tông dự ứng lực đúc sẵn, gồm 3 cọc nối với nhau. Có thể là đơn vị thi công sử dụng 2 bích nối vành khuyên. Một bích ở độ sâu khoảng 24m, một bích độ sâu khoảng 12m. Tuy nhiên, không rõ liệu thợ hàn đã hàn kín bích nối hay chưa.

“Quan sát khu vực xung quanh có ruộng lúa. Quan sát lượng đất khoan lên có bùn. Nếu khớp nối không hàn kín, nhiều khả năng nước và bùn sẽ tràn vào lòng rỗng cột trụ bê tông và dâng lên theo nguyên tắc mao dẫn.

Cháu bé rơi theo phương thẳng đứng, đường kính ống quá hẹp không cử động được tay chân. Khi gặp nước và đặc biệt là bùn hoặc cát hóa lỏng, sẽ chìm rất nhanh và chết ngạt”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Trước đó, khoảng 11 giờ 30 phút, ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hào Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, Đồng Tháp) để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m).

Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và nhân công đang nghỉ trưa. Ngay sau khi phát hiện sự việc, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, Sở GTVT, Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công; chính quyền địa phương, lực lượng y tế và các lực lượng cứu hộ khác đã đến hiện trường.

Ông cho biết, khi một người sa chân xuống bờ sông đầy bùn sâu, hoặc rơi xuống đầm lầy toàn bùn, nếu người đó càng giãy giụa thì càng chìm xuống nhanh hơn. Thậm chí, họ cũng sẽ tự chìm và chết ngạt khi không giãy.

“Không thiếu những clip cứu hộ con vật sa xuống bùn lầy vô cùng khó khăn. Hoặc gần đây, nhiều clip đăng tải những trận động đất cát lở, đất lở hay trận lũ quét kéo theo bùn đất từ trên núi xuống, nó nhấn chìm tất cả các đồ vật, gia súc gia cầm và con người, công tác cứu hộ cứu nạn vô cùng vất vả”, bác sĩ Phúc dẫn chứng.

Ông giải thích, sự hóa lỏng bùn cát bão hòa trong nước thành huyền dịch sẽ vô cùng nguy hiểm. Khi rơi vào trong đó, một người sẽ nhanh chóng bị chôn chặt. Cụ thể, trong một trận tuyết rơi, nếu ra đường, một con mèo có thể nhanh chóng bị chôn cứng 4 chân, không thể rút ra được cũng là do hiện tượng lún này.

Nguy cơ thiếu oxy

“Rơi xuống độ sâu, ngoài chết do nước và bùn, thì còn chết do thiếu oxy, do khí độc. Bình thường, không khí chứa 21% lượng oxy. Trong cột trụ nhồi xuống lòng đất, oxy có thể giảm do rỉ sét, do nấm men tiêu thụ, các chất bề mặt hấp phụ. Cùng với đó, oxy được thay thế bởi các khí độc như metan, argon, carbon dioxide”, bác sĩ Phúc giải thích.

Trong khi đó, cơ thể phản ứng khác nhau theo nồng độ oxy trong không khí. Khi nồng độ oxy dưới 23,5%, cơ thể bắt đầu ngáp vặt, khuôn mặt không có nụ cười, giống ngọn nến giảm độ sáng.

Khi nồng độ oxy dưới 21%, cơ thể bắt đầu ngáp liên tục, khuôn mặt tắt nụ cười. Oxy dưới 19,5%, cơ thể bắt đầu báo động. Từ 12 - 16%, khuôn mặt bắt đầu bợt bạt. Từ 10 - 11%, con người rơi vào hôn mê. Từ 6 - 10%, cơ thể rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Nồng độ oxy xuống dưới 6% sẽ dẫn đến tử vong.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/hai-nguy-co-lon-khi-tre-roi-xuong-ong-coc-be-tong-a20593.html