Khác với biến chủng XBB.1.5 mới mẻ đang lưu hành tại Mỹ, XBB "gốc" - tái tổ hợp của BA.2.10.1 và BA.2.75. - vừa được phát hiện tại TP HCM mà dư luận vài ngày qua đồn là "tồi tệ nhất" hoặc "rất nguy hiểm" thực ra là biến chủng từng gây ra làn sóng cuối mùa thu ở Singapore và một số quốc gia châu Á khác.
XBB "gốc" đã được Nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) của WHO phân tích, đưa ra tuyên bố chính thức từ cuối tháng 10 năm ngoái.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình COVID-19 toàn cầu mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO hôm 5-1, tổ chức này thống kê tỉ lệ lưu hành của của XBB* (tức XBB và các hậu duệ) toàn cầu là 6,8%, bao gồm XBB.1.5 có số trình tự gien tăng dần trong tuần qua.
Các nhà lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu của WHO trong một cuộc họp báo toàn cầu về COVID-19 - Ảnh: WHO
"Dựa trên bằng chứng hiện tại, không có dấu hiệu về sự gia tăng mức độ nghiêm trọng liên quan đến các biến chủng theo dõi này so với Omicron trước đây" - WHO khẳng định chung đối với 5 phân dòng Omicron đang được theo dõi là XBB*, BQ.1*, BA.5 mang đột biến bổ sung, BA.2.75*, BA.4.6* và BA.2.3.20*.
Theo các văn bản mà Báo Người Lao Động nhận được từ nhóm TAG-VE thông qua WHO, TAG-VE đã thảo luận về các dữ liệu liên quan đến lợi thế tăng trưởng của phân dòng XBB* và một số bằng chứng ban đầu về mức độ nghiêm trọng lâm sàng và nguy cơ tái nhiễm từ các làn sóng Singapore và Ấn Độ, cũng như một số quốc gia khác cho đến cuối tháng 10-2022.
XBB* được phân tích trong văn bản của TAG-VE là XBB và hậu duệ đầu tiên là XBB.1, trong đó XBB "gốc" là dòng vừa được phát hiện ở TP HCM thông qua kết quả giải trình tự gien của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU).
XBB từng gây hoảng loạn tại Singapore khi mới xuất hiện hồi tháng 10-2022 nhưng sau đó lắng dịu vì không cho thấy sự khác biệt về mức độ gây bệnh nặng.
TAG-VE khẳng định dữ liệu "không cho thấy có sự khác biệt đáng kể về mức độ nghiêm trọng của bệnh đối với nhiễm XBB*". Về nguy cơ tái nhiễm, văn bản nói rõ: "Có bằng chứng ban đầu chỉ ra nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các dòng phụ Omicron đang lưu hành khác. Các trường hợp tái nhiễm chủ yếu chỉ giới hạn ở những người bị nhiễm ban đầu trong thời kỳ tiền Omicron".
Về khả năng gây ra các làn sóng mới của XBB*, TAG-VE đánh giá là phụ thuộc vào bối cảnh miễn dịch trong khu vực, bao gồm kích thước và thời gian của các đợt Omicron trước đó, cũng như mức độ bao phủ của vắc-xin COVID-19.
Nhóm cố vấn đặc biệt này khuyến cáo: "Dựa trên kiến thức hiện có, khả năng bảo vệ bằng vắc-xin (loại cũ lẫn loại hai thành phần mới) chống lại nhiễm trùng có thể giảm nhưng không có tác động lớn đến khả năng bảo vệ chống lại bệnh nghiêm trọng", vì vậy vẫn khuyến khích các quốc gia gia tăng độ bao phủ của vắc-xin và vắc-xin tăng cường.
"Không có dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng đã thay đổi với XBB.1.5."
Website chính thức của WHO dẫn lời nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhoven, lãnh đạo kỹ thuật về ứng phó COVID-19 của tổ chức này, phát biểu hôm 4-1: "Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều làn sóng lây nhiễm trên khắp thế giới nhưng điều đó không nhất thiết phải chuyển thành những làn sóng tử vong tiếp theo vì các biện pháp đối phó của chúng tôi vẫn tiếp tục phát huy tác dụng".
Bà khẳng định TAG-VE đang đánh giá rủi ro cụ thể đối với XBB.1.5 và hiện chỉ có thể nói là nó có lợi thế tăng trưởng hơn tất cả dòng con khác cho đến nay. "Chúng tôi chưa có bất kỳ dữ liệu nào về mức độ nghiêm trọng hoặc về hình ảnh lâm sàng nhưng chúng tôi cũng không có dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng đã thay đổi với XBB.1.5." - WHO trích dẫn.
29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã báo cáo về biến chủng này. Việt Nam chưa phát hiện XBB.1.5.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/who-noi-gi-ve-bien-chung-bi-don-la-toi-te-nhat-xuat-hien-o-tp-hcm-a20752.html