Anh Mùa A Lù (người Mông) cùng con gái sẽ đón Tết ở bệnh viện trong dịp Tết này - Ảnh: HÀ THANH
Lần đầu tiên Mùa Thị Nú (14 tuổi) và bố sẽ đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 xa nhà.
Nơi buồng bệnh của trung tâm ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), Nú cùng bố đang nhớ về những ngày Tết rộn ràng của đồng bào dân tộc Mông.
"Nhưng năm nay chắc mình và con gái ăn Tết ở đây rồi" - anh Mùa A Lù, 35 tuổi, bố của Nú, không giấu được niềm khắc khoải.
Mùa Thị Nú
"Nú thích ăn bánh chưng không? - Có ạ
"Thế con thích mặc áo mới đón Tết không? - Có ạ
Gương mặt xinh xắn của cô bé Mùa Thị Nú. Trải qua bốn đợt điều trị, Nú đáp ứng thuốc tốt, khỏe khắn và tươi vui hơn - Ảnh: HÀ THANH
Ước mong của bố
Trải qua bốn đợt hóa trị, Nú đáp ứng thuốc tốt, gương mặt tươi tắn hơn hẳn. A Lù khoe con gái bây giờ nặng hơn trước, tăng lên gần 20kg nên vui tươi, khỏe hơn chút rồi.
Nhưng mấy ngày trước Nú bị sốt, Tết này bác sĩ nói Nú vẫn phải ở viện để được theo dõi.
"Nhớ Tết của đồng bào mình lắm, nhưng thương con hơn. Bố chẳng làm được gì cho con, ở đây chỉ biết nhờ các bác (bác sĩ) thôi. Các bác cho về thì mình về, còn các bác chưa cho về thì phải ở đây điều trị, đợi con khỏe mạnh rồi về" - anh A Lù giãi bày.
Bước sang tuổi 35, người đàn ông dân tộc Mông có đến bốn người con.
Đôi tay bé nhỏ của Nú còn nguyên băng kim truyền nắm chặt chú gấu bông là món quà Tết được tặng - Ảnh: HÀ THANH
A Lù kể, Nú là con gái đầu, sau đó vợ chồng anh sinh thêm được ba người con nữa. Nhưng hai bé sau cùng đã mất, một bé vừa sinh một tháng tuổi, bé thì sáu tháng tuổi.
Rồi đến Nú bị bệnh. Người bố phát hiện con gái thường xuyên đi tiểu, uống nước rất nhiều nên mang con đến bệnh viện huyện kiểm tra.
"Bác sĩ chẩn đoán con bị suy nhược cơ thể, rồi hỏi con có bị rụng tóc không. Mình bảo có vì trước đây Nú tóc dài lắm nhưng giờ rụng hết rồi. Vậy là các bác sĩ giới thiệu mình lên tỉnh.
Lên tỉnh thì chụp chiếu phát hiện có khối u trên đầu, các bác chuyển xuống Bệnh viện Nhi trung ương thì chẩn đoán con bị u tế bào mầm nội sọ" - A Lù kể lại.
Tháng 8-2022, A Lù rời vùng núi cao xuống Bệnh viện Nhi trung ương để nhờ các bác sĩ chữa trị cho con gái.
Một mình ông bố trẻ nuôi con ở viện chẳng phải dễ dàng. Ngày mới xuống Hà Nội, A Lù nói tiếng phổ thông còn chưa sõi, lại chưa biết đường sá. Nhưng khó hơn cả là lấy đâu ra tiền để chữa trị cho con. Vợ chồng A Lù quanh năm chỉ làm nương làm rẫy mà cũng chẳng đủ ăn.
"Không có tiền đâu, nhưng xuống đây các bác sĩ và phòng công tác xã hội kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ, nhờ đó mới có tiền điều trị cho con.
Cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn phòng công tác xã hội đã giúp đỡ bố con mình nhiều lắm" - người bố không giấu được xúc động.
Tết này dù ở lại viện, nhưng A Lù nói như vậy cũng tốt vì con sẽ được các bác sĩ chăm sóc tận tình. Vừa rồi các bác sĩ cũng tặng quà cho con, con rất vui vì có gấu bông, có quà Tết.
"Năm mới này mình chỉ mong ước con khỏe mạnh để hai bố con sớm được về nhà" - Mùa A Lù chia sẻ.
Anh Mùa A Lù viết lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Mông - Ảnh: HÀ THANH
"Bao giờ mẹ với em về với chúng con?"
Dịp Tết, hai con lớn liên tục gọi điện hỏi thăm bao giờ mẹ với em về, chị Nguyễn Thị Thúy (40 tuổi, quê Bắc Ninh) chỉ biết động viên các con ráng chăm ngoan, ở nhà nghe lời ông bà và bố.
Còn chị, mấy tháng nay đang ở viện cùng cậu con trai út chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Bé Sữa (17 tháng tuổi, con trai chị) bị u nguyên bào thần kinh, đã trải qua bốn đợt hóa chất.
"Mới đầu bụng con cứ to lên, chán bú mẹ. Đến viện kiểm tra thì phát hiện ra khối u. Lúc ấy cả nhà không ai ngờ được, căng thẳng, suy sụp lắm vì không nghĩ con còn bé mà bị bệnh như thế" - chị Thúy nhớ lại.
Hai vợ chồng là giáo viên, chị Thúy đã gắn bó với trẻ mầm non 17 năm qua.
Ở từng buồng bệnh, không khí Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã tràn ngập khắp phòng - Ảnh: HÀ THANH
Nhưng từ ngày phát hiện con bị bệnh, chị xin trường cho nghỉ không lương để dành toàn bộ thời gian chăm sóc con. Thương hoàn cảnh của chị, trường tạo điều kiện cho chị, nếu con khỏe mạnh thì về quê tiếp tục làm việc.
Mấy tháng qua một tay chị chăm sóc con ở viện. Bé Sữa còn nhỏ xíu, thường quấy khóc, lại quấn mẹ, thành ra chị chẳng dứt con ra mà làm việc gì được, đến tắm cho bản thân cũng phải vội.
Ở buồng bệnh, chị Thúy thường ẵm con vào lòng, cho con được bú mớm dòng sữa mẹ rồi vỗ về để vơi bớt nỗi đau cho con.
Vất vả là vậy, nhưng khi ai đó hỏi thăm, người mẹ vẫn giấu nước mắt vào trong dù chẳng thể nào giấu được đôi mắt đang đỏ hoe.
"Tết này chỉ mong con được khỏe mạnh, được điều trị khỏi bệnh" - chị Thúy trải lòng.
Khi hỏi chị có ước mong gì cho bản thân trong năm mới, người mẹ ôm con trai vào lòng thật lâu rồi mới bày tỏ: "Mẹ cũng chỉ mong có sức khỏe để chăm sóc, cùng con chiến đấu mà thôi!".
Tạo điều kiện đưa bệnh nhi ngoại trú vào điều trị nội trú dịp Tết
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - điều dưỡng trưởng trung tâm ung bướu, Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại trung tâm có khoảng 50 bệnh nhi ở lại điều trị.
Các bệnh nhi chủ yếu mắc các bệnh như tiểu cầu cấp, u gan, u thận, u tế bào mầm.
Chị Hằng cho hay trước Tết, các y bác sĩ đã đến từng buồng bệnh để kiểm tra tình trạng bệnh nhi, lắng nghe nguyện vọng của gia đình để sắp xếp. Đối với bệnh nhi đảm bảo sức khỏe có thể về quê được thì bệnh viện sẽ cho các cháu về quê đón Tết.
Đối với những bệnh nhi điều trị ngoại trú, bệnh viện cũng đã rà soát để đưa các trẻ vào viện điều trị nội trú trong dịp Tết này.
"Dịp Tết nếu để trẻ đi lại nhiều sẽ rất bất tiện, vì vậy viện tạo điều kiện để đưa các con vào điều trị nội trú. Ở viện, các con sẽ đón Tết cùng các bệnh nhi khác và y bác sĩ" - chị Hằng chia sẻ.
Những ngày qua, các y bác sĩ đã cùng nhau trang trí Tết ở các khu vực hành lang, buồng bệnh để mang không khí xuân tươi vui đến với bệnh nhi và gia đình.
Cùng đó, viện cũng liên kết với các đơn vị nhà hảo tâm để tặng quà Tết cho bệnh nhi, giúp các con có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật.
Dịp Tết này, các y bác sĩ ở khoa trung tâm ung bướu cũng sẽ liên tục túc trực để duy trì việc điều trị cho các bệnh nhi.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/cung-con-don-tet-o-benh-vien-a21814.html