Theo bác sĩ gia đình Nguyễn Văn Hùng (khám và điều trị cho bệnh Nhi tại thị trấn Yên Mỹ, Hưng Yên), Tết là thời điểm các bé dễ bị ốm, nhất là những bé có sức đề kháng yếu khi phải di chuyển đường dài bằng máy bay, ô tô hoặc tàu… Bên cạnh đó, lịch sinh hoạt của trẻ thường bị xáo trộn. Phụ huynh thường cho trẻ ăn uống không đúng giờ giấc, ăn vặt nhiều, ăn uống không đủ chất… Chưa kể, con thường xuyên thức khuya, vui chơi quá giờ đi ngủ… Đây cũng là nguyên nhân làm giảm khả năng miễn dịch của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng.
Dưới đây là 3 bệnh trẻ thường hay mắc dịp Tết, cha mẹ chú ý để phòng bệnh cho trẻ:
Rối loạn tiêu hóa
Do ngày Tết mọi việc bận rộn nên ngay cả bữa ăn hàng ngày cũng qua loa. Nhiều gia đình tiện gì ăn đó cho đơn giản, ăn quá bữa, ăn các món chế biến sẵn, ăn lại thức ăn nấu vẫn còn thừa… nên trẻ rất dễ xảy ra tình trạng rối loạn tiêu hoá.
Trẻ có thể ăn nhiều thứ cùng lúc, ăn những thức ăn lạ, thức ăn bên ngoài không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị nhiễm khuẩn. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón… Đây là tình trạng phổ biến thường gặp ở những ngày cận Tết và trong Tết.
Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường có biểu hiện như nôn và tiêu chảy. Ngoài ra, trẻ có thể bị khó chịu, ợ hơi, đầy bụng, quấy khóc… Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa kiểm tra ngay xem trẻ có khát nước không, đi tiểu có như bình thường hay không, môi khô như thế nào, từ đó nhanh chóng bù nước cho trẻ. Cách bù nước tốt nhất là uống oresol, pha theo đúng tỉ lệ của nhà sản xuất hướng dẫn. Ngoài ra có thể cho trẻ uống nước dừa, nước trái cây.
Để phòng bệnh, cần để ý đến chế độ ăn hàng ngày, hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhiều chất béo, chất đạm, thức ăn để lâu ngày... Khi rối loạn tiêu hóa có kèm theo đau bụng thì đi khám bệnh càng sớm càng tốt để đề phòng mắc thêm các bệnh cấp tính khác như viêm ruột thừa hay lồng ruột...
Cảm lạnh
Khi thời tiết trở lạnh vào xuân là thời điểm trẻ dễ bị cảm lạnh do virus ở mũi và họng (đường hô hấp trên). Nhiều loại virus có thể gây ra cảm lạnh, theo nghiên cứu có trên 100 chủng khác nhau, Rhinovirus là loại thường gây ra cảm lạnh nhất. Một số loại virus khác gây bệnh như: Enterovirus (Echovirus và Coxsackievirus), Coronavirus... Vì có rất nhiều loại virus gây cảm lạnh thông thường nên chúng ta có thể bị nhiều lần trong năm.
Ở trẻ em, nghẹt mũi là triệu chứng nổi bật của cảm lạnh, cũng có thể sổ mũi nước trong, vàng hoặc xanh. Trẻ có sốt, đây là triệu chứng phổ biến trong 3 ngày đầu của bệnh với nhiệt độ cao hơn 38 độ C.
Ngoài ra, triệu chứng khác bao gồm: Đau họng, ho, quấy khóc, khó ngủ và giảm sự thèm ăn. Niêm mạc mũi có thể đỏ và sưng, hạch bạch huyết ở cổ có thể hơi to.
Để phòng cảm lạnh cho trẻ, việc giữ ấm cho trẻ và vệ sinh sạch (rửa tay cho trẻ thường xuyên, không cho trẻ chơi đất bẩn…) sẽ có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus gây cảm lạnh. Ngoài ra, không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, khi dọn lau nhà cần sử dụng chất tẩy rửa ở các bề mặt (sàn, tay nắm cửa...) có thể giúp giảm lây truyền virus.
Bệnh cúm
Ngày Tết thời tiết lạnh hoặc có khi rét đậm khiến hệ miễn dịch của trẻ yếu hơn. Bên cạnh đó, trẻ thường được dẫn đến những nơi đông người, thăm thú các nơi nên dễ bị lây nhiễm cúm từ người lạ. Các siêu vi trùng cúm là tác nhân gây bệnh chính. Bệnh cúm khiến trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, ho và sốt cao, cơ thể đau nhức, chán ăn, mệt mỏi.
Đảm bảo cho trẻ được ngủ nghỉ nhiều hơn, uống nhiều nước (không nên uống nhiều nước ngọt, nước có ga), lựa chọn thực đơn giàu dưỡng chất giúp tăng sức đề kháng. Các mẹ hãy tránh cho bé ăn những thực phẩm nhiều dầu, thay vào đó là những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và có nhiều dinh dưỡng như trái cây, các loại súp… Đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu trẻ sốt cao và tình trạng cúm lâu khỏi.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/bac-si-canh-bao-va-dua-ra-huong-phong-3-benh-tre-de-mac-vao-dip-tet-a21945.html