Bữa ăn ngày tết không nhất thiết phải đủ canh măng, thịt gà, bánh chưng, nem rán... như truyền thống - Ảnh: VÂN NHI (Hội AGBG)
Tết là dịp đoàn tụ, mâm cơm có cả người cao tuổi, thiếu niên, người trưởng thành, người thừa cân, người mỡ máu, người huyết áp cao... Làm sao để ai cũng ăn ngon, khỏe, không tăng cân là câu hỏi nhiều gia đình đặt ra.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, khuyên:
Nên đảm bảo cân bằng bốn nhóm chất (chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin & khoáng chất) trong các bữa ăn hàng ngày, nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt, tăng cường thêm rau xanh và trái cây trong mỗi bữa ăn.
Gỏi và Salad là món dễ ăn, chống ngán dịp tết - Ảnh: VÂN NHI (Hội AGBG)
Hạn chế nấu, ăn các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ. Thay vào đó nên ăn luộc, hấp hoặc các món salad. Không ăn liên tục một món (như bánh chưng, thịt kho tàu…) mà nên đổi món sau các bữa. Muốn như vậy, gia đình không nên nấu nhiều một lần, chỉ nên nấu vừa đủ bữa để tránh phải hâm đồ ăn nhiều lần.
Tăng cường ăn thêm các thức ăn tốt cho hệ tiêu hóa như sữa chua, đu đủ... Hạn chế đồ uống có cồn và nước ngọt có gas. Hạn chế ăn mặn bằng cách điều chỉnh giảm muối, sử dụng một số gia vị khác như hạt tiêu, các loại thảo mộc và hạn chế các loại nước chấm từ mắm, nước tương …
Hạn chế các món có hàm lượng muối cao như dưa muối chua, hành muối, thịt nguội, đồ chế biến sẵn. Uống đủ nước với lượng 40ml/kg thể trọng/ ngày. Mọi người cũng cần lưu ý trong bữa ăn cần ăn đúng đủ bữa, tránh ăn dồn bữa, ăn chậm và nhai kỹ.
Món ăn đủ sắc và vị, đủ nóng sốt, đủ mát lành sẽ thu hút thực khách - Ảnh: VÂN NHI (Hội AGBG)
Lưu ý dinh dưỡng cho trẻ em ngày Tết:
Ăn đa dạng đầy đủ bốn nhóm thực phẩm (tinh bột, chất đạm, dầu mỡ, rau xanh trái cây). Lựa chọn các món ăn dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo ngọt, nước ngọt.
Lưu ý dinh dưỡng cho người cao tuổi ngày Tết:
Ăn giảm thịt, giảm chất béo và giảm muối, thay vào đó là các thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua. Ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá. Với người có tuổi, tiêu hóa và hấp thụ chất đạm đều kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu chất đạm. Trong đậu, lạc, vừng và cá có nhiều chất đạm, ngoài ra chúng lại có nhiều chất dầu giúp đề phòng các bệnh về tim mạch ung thư
Những người mắc các bệnh mạn tính cần lưu ý:
Người bị viêm loét dạ dày: tránh ăn các thức ăn chua cay, thức ăn có chất bảo quản hoặc thực phẩm giàu chất đạm, chất béo.
Thức uống nên tránh bia, rượu, nước trà quá đặc. Đặc biệt, không nên bỏ bữa hoặc ăn quá no, quá nhiều thức ăn trong một bữa.
Người bị huyết áp cao, bệnh tim mạch: tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn, chứa lượng muối nhiều, thực phẩm nhiều dầu mỡ/chiên xào. Người bị tiểu đường: cần hạn chế ăn nhiều thực phẩm giàu tinh bột, có lượng đường cao…
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/mam-com-ngay-tet-the-nao-de-khong-bi-doi-trong-nhung-bua-tiec-linh-dinh-a21956.html