Trái cây là thực phẩm cực kỳ tốt cho sức khỏe với những lợi ích to lớn. Chúng có nhiều tác dụng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đem lại nhiều chất dinh dưỡng, giúp tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, nếu ăn trái cây quá nhiều cũng sẽ có những hệ lụy.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Erin Palinski-Wade, tác giả cuốn sách Chế độ ăn kiêng cho bệnh tiểu đường trong hai ngày, những người mắc các bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường cần thận trọng với những thực phẩm ngọt tự nhiên là trái cây do hàm lượng đường cao.
Palinski-Wade khuyên bạn nên ăn một khẩu phần trái cây trong mỗi bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ, đồng thời kết hợp món này với một nguồn protein, chất xơ hoặc chất béo.
"Mặc dù chế độ ăn nhiều thực phẩm nguyên chất đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, nhưng hầu hết trái cây đều chứa nguồn carbohydrate nên sự cân bằng là chìa khóa", chuyên gia nói.
Táo, quả mọng, cam quýt và các loại trái cây khác cung cấp hydrat hóa tự nhiên và rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Nhưng nếu ăn quá nhiều mà loại bỏ các nhóm thực phẩm khác, bạn có thể gặp rắc rối.
Chuyên gia dinh dưỡng Amanda Lane, người sáng lập Healthful Lane Nutrition, giải thích: "Tiêu thụ nhiều trái cây có thể khiến bạn ăn ít hơn các thực phẩm khác như chất béo và protein lành mạnh. Nếu không có những chất dinh dưỡng quan trọng này, có thể dẫn đến các tác hại cho cơ thể".
Ngoài ra, đối với những người đang có mối quan tâm về giảm cân, bạn phải hạn chế lượng trái cây ăn hàng ngày để kiểm soát cân nặng.
"Ăn quá nhiều trái cây một lúc có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn, khiến bạn cảm thấy thèm ăn hơn", nhà dinh dưỡng học Bonnie Newlin nói.
Các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể khiến bạn không nên ăn thêm trái cây vào bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, đặc biệt đối với người có vấn đề về đường tiêu hóa.
"Thực phẩm giàu chất xơ có thể khó tiêu hóa hoặc gây khó chịu như đầy hơi và chướng bụng. Vì khả năng dung nạp thực phẩm với các tình trạng như IBS (hội chứng ruột kích thích) hoặc IBD (bệnh viêm ruột) mang tính cá nhân cao, tốt nhất bạn nên làm việc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để xác định loại trái cây nào được dung nạp tốt nhất và những trái cây bạn cần hạn chế ăn", Palinski-Wade giải thích.
Mặc dù trái cây chứa nhiều đường nhưng chúng là đường tự nhiên, có tác dụng khác so với đường nhân tạo. Cơ thể phản ứng khác với đường bổ sung so với đường tự nhiên. Theo đó, đường tự nhiên có trong trái cây được đưa vào máu của bạn do sự hiện diện của các chất dinh dưỡng như chất xơ và polyphenol. Cơ thể phải phân hủy các chất dinh dưỡng này, điều đó có nghĩa là đường được hấp thụ chậm hơn, ít gây tăng đột biến lượng đường trong máu. Palinski-Wade cũng đồng ý rằng các vitamin, khoáng chất và chất xơ trong trái cây giúp cân bằng nhược điểm tiềm ẩn của hàm lượng đường.
Trái cây là lựa chọn lành mạnh trong các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ nhưng bạn không nên đặt mục tiêu thực đơn của mình hoàn toàn là trái cây. "4-5 phần trái cây là mức có thể chấp nhận được", Lane cho biết, thêm rằng mặc dù ăn nhiều loại trái cây là tốt, bạn cũng nên nhớ luôn cố gắng điều độ và đa dạng trong bữa ăn.
"Hãy chắc chắn bạn tiêu thụ đủ lượng rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và protein thực vật hoặc động vật như một phần của chế độ ăn uống cân bằng", Lane khuyên.
Doãn Hùng (Theo Eat This Not That)
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/tac-hai-cua-viec-an-qua-nhieu-trai-cay-a22369.html