'Kiêng' khám bệnh đầu năm - hậu quả khôn lường

Từ lâu, nhiều người vẫn giữ quan niệm tránh đi bệnh viện những ngày đầu năm mới, bởi lo sợ cả năm sẽ gặp những chuyện không may mắn. Vì vậy không ít người dù bệnh nặng nhưng không tới cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, điều này không những gây khó khăn trong quá trình điều trị mà có thể nguy hiểm cho tính mạng.

Kiêng khám bệnh đầu năm - hậu quả khôn lường - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân đột quỵ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng cho hay: Trong những ngày Tết, mọi người có thể hình thành nhiều thói quen không tốt như uống ít nước, tiêu thụ quá nhiều thịt, ăn ít rau củ quả, ít vận động hay thức khuya. Do đó, sau kỳ nghỉ lễ, cơ thể có khả năng gặp phải một vài vấn đề như suy chức năng gan do tiêu thụ nhiều rượu bia, căng thẳng mất ngủ do ăn uống sinh hoạt không điều độ hoặc bỏ bữa kèm theo thức khuya hay do sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn, viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích, khó tiêu, táo bón hay các bệnh về tim mạch và hô hấp như tăng huyết áp, tăng đường huyết, nhiễm khuẩn đường hô hấp… - nhóm bệnh này thường xảy ra ở các bệnh nhân có bệnh mạn tính. Trong dịp Tết, nếu sinh hoạt không lành mạnh, ăn ngủ thất thường hay không uống thuốc đúng giờ, có thể khiến bệnh tình diễn biến nặng hơn.

Với đa số trường hợp, những bất thường này không phải vấn đề quá lớn nếu tới cơ sở y tế thăm khám kịp thời khi cơ thể xuất hiện những tín hiệu cảnh báo. Thế nhưng, một thực tế vấn diễn ra trong nhiều năm qua là bộ phận không nhỏ người dân có quan niệm vào viện đầu năm để khám bệnh, hay thậm chí là tới hiệu thuốc là không may mắn, nên mặc dù được bác sĩ tư vấn phải nhập viện điều trị vẫn chần chừ không chịu đến bệnh viện và hậu quả là không ít bệnh nhân đã phải rơi vào tình cảnh nguy hiểm tới tính mạng, thậm chí tử vong vì quan niệm này.

Anh C.V.H - người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Anh trai tôi vốn nghiện rượu và mắc bệnh xơ gan từ lâu. Trong những ngày Tết bệnh lại càng nặng thêm, vì uống rượu nhiều. Nhưng do kiêng không đi bệnh viện những ngày đầu năm, nên hôm mùng 6 đưa vào viện, anh trai tôi đã ở trong tình trạng bị xuất huyết tiêu hóa nặng, bị hôn mê sâu và tình trạng sức khỏe rất xấu”.

Bác sĩ Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết: “thời tiết đông - xuân là thời điểm lưu hành nhiều bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa do virus. Ngoài ra, việc ăn uống không điều độ, uống nhiều bia rượu, đi du xuân trong thời tiết giá lạnh cũng khiến cơ thể dễ bị các chứng bệnh cấp tính như viêm dạ dày, ngộ độc rượu, ngộ độc thức ăn, cảm lạnh... Ngoài các chứng bệnh cấp tính, trong những ngày xuân, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ trong máu… nếu không kiểm soát tốt chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng có nguy cơ khiến bệnh trở nặng.

Việc kiêng kỵ ngày Tết không đi khám bệnh là điều không nên bởi khi bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến bệnh sẽ phức tạp không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị, nhất là khi mắc các bệnh về đường ruột, hô hấp, sốt xuất huyết... Đáng nói, không ít gia đình thường chuẩn bị sẵn kháng sinh trong nhà, cứ thấy hắt hơi, sổ mũi, đau họng hay bụng ậm ạch... là uống, tình trạng này kéo dài không có tham vấn của bác sĩ bệnh không những không khỏi mà còn gây hại cho cơ thể.

Theo bác sĩ Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chính vì quan niệm khám bệnh đầu năm là gặp xui xẻo nên không ít các trường hợp cảm, cúm, sốt… người dân coi đó là chuyện vặt, qua loa không cần đi viện. Thế nhưng, sốt thường là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác như các bệnh lý nhiễm virus, vi khuẩn, bệnh hệ thống hoặc ung thư. Dấu hiệu nặng của sốt có thể kèm theo như ho, khó thở có thể là viêm phổi; sốt kèm đau ngực có thể viêm cơ tim, sốt kèm đi ngoài, tiểu rắt, tiểu buốt, đau đầu... đều là biểu hiện nhiễm trùng của một cơ quan cụ thể. Có những người bị hen, nhưng sốt dễ làm cơn hen nặng hơn, hoặc người bệnh tiểu đường có cơn sốt sẽ làm đường máu rối loạn… Do vậy người dân cần hết sức cảnh giác những biểu hiện ban đầu như sốt, cảm cúm... có thể là dấu hiệu của bệnh khác nặng hơn. Những trường hợp này cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/kieng-kham-benh-dau-nam-hau-qua-khon-luong-a22511.html