Căn bệnh gây suy hô hấp cấp cho trẻ nhưng dễ bị nhầm lẫn với bệnh vặt

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh này có thể gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng trẻ.

Viêm tiểu phế quản là dạng nhiễm trùng tại phổi, gây viêm và tắc nghẽn đường dẫn khí nhỏ (tiểu phế quản) ở phổi. Bệnh này thường có nguyên nhân do virus. Thông thường, thời gian cao điểm của bệnh viêm tiểu phế quản là trong những tháng mùa đông hoặc khi giao mùa.

Viêm tiểu phế quản thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường, nhưng sau đó tiến triển thành ho, thở khò khè và đôi khi khó thở. Các triệu chứng của viêm tiểu phế quản có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Những trẻ triệu chứng nặng cần nhập viện để theo dõi, điều trị.

Căn bệnh gây suy hô hấp cấp cho trẻ nhưng dễ bị nhầm lẫn với bệnh vặt - Ảnh 1.

Viêm tiểu phế quản là viêm, tắc nghẽn đường dẫn khí nhỏ ở phổi. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng của viêm tiểu phế quản

Những triệu chứng đầu tiên của viêm tiểu phế quản tương tự như cảm lạnh, gồm sổ mũi, nghẹt mũi, ho, sốt nhẹ (triệu chứng này có thể có hoặc không).

Sau đó trẻ có khó thở trong một tuần hoặc hơn, hoặc có tiếng rít khi thở ra (thở khò khè). Triệu chứng này có thể xuất hiện nhanh hoặc chậm ở tùy từng trẻ.

Nhiều trẻ cũng có thể có triệu chứng viêm tai giữa.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu trẻ có dấu hiệu bỏ ăn, thở nhanh hoặc nặng hơn, hãy đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế. Việc làm này vô cùng quan trọng nếu trẻ dưới 12 tuần tuổi hoặc trẻ có các yếu tố nguy cơ khác gây viêm tiểu phế quản như sinh non hoặc mắc bệnh tim, phổi.

Một số dấu hiệu khác cảnh báo bệnh chuyển nặng, trẻ cần được chăm sóc y tế kịp thời:

- Thở khò khè

- Thở rất nhanh, hơn 60 nhịp thở một phút và thở nông

- Thở khó, thở rút lõm ngực

- Da xanh xao, môi và móng tay tím tái

Căn bệnh gây suy hô hấp cấp cho trẻ nhưng dễ bị nhầm lẫn với bệnh vặt - Ảnh 2.

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới viêm tiểu phế quản ở trẻ. (Ảnh: medpagetoday)

Nguyên nhân của viêm tiểu phế quản

Như đã đề cập ở trên, viêm tiểu phế quản thường do virus. Virus tấn công các tiểu phế quản khiến chúng sưng lên và bị viêm, đồng thời tạo ra chất nhầy, khiến không khí trong phổi khó lưu thông.

Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. RSV là một loại virus phổ biến, dễ gây tái nhiễm, thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi.

Ngoài RSV, viêm tiểu phế quản cũng có thể gây ra bởi virus cúm hoặc virus cảm lạnh thông thường.

Virus gây viêm tiểu phế quản rất dễ lây lan. Trẻ có thể bị nhiễm virus từ giọt bắn hô hấp có trong không khí khi người mang mầm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Virus cũng có thể tồn tại trên các đồ vật dùng chung và lây nhiễm cho trẻ khi trẻ chạm tay vào đồ vật đó rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Trẻ nào dễ mắc viêm tiểu phế quản?

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất vì phổi và hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ.

Các yếu tố khác liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản ở trẻ gồm:

- Sinh non

- Mắc các bệnh lý tim mạch hoặc bệnh phổi tiềm ẩn

- Hệ thống miễn dịch kém

- Tiếp xúc với khói thuốc lá

- Tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh

Căn bệnh gây suy hô hấp cấp cho trẻ nhưng dễ bị nhầm lẫn với bệnh vặt - Ảnh 3.

Cha mẹ nên rửa tay sạch trước khi chạm vào con trẻ. (Ảnh minh họa)

Phòng ngừa viêm tiểu phế quản

Vì virus gây viêm tiểu phế quản lây từ người sang người nên một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh này là rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chạm vào trẻ trong khi bạn bị cảm lạnh hoặc đang mắc các bệnh hô hấp khác. Lúc này, bạn nên đeo khẩu trang. Nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản, hãy cho trẻ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh để tránh lây lan cho các trẻ khác.

Để hạn chế nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản cho trẻ, cha mẹ nên:

- Không cho trẻ tiếp xúc với những người bị cảm lạnh, đặc biệt với trẻ dưới 2 tháng tuổi.

- Làm sạch, khử trùng thường xuyên các bề mặt, đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa.

- Che miệng khi ho và hắt hơi.

- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bàn chải đánh răng, khăn mặt.

- Rửa tay thường xuyên cho cả con và chính bản thân mình.

- Cho trẻ bú sữa mẹ.

- Tiêm đầy đủ các loại vaccine được khuyến cáo theo từng độ tuổi của trẻ.

(Nguồn: Mayo Clinic)

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/can-benh-gay-suy-ho-hap-cap-cho-tre-nhung-de-bi-nham-lan-voi-benh-vat-a22845.html