Theo đó, Clare (41 tuổi) đã nhờ chồng là Richard Duffy (38 tuổi) đánh thức nếu mình ngủ quên. Tuy nhiên, cô đã không bao giờ tỉnh dậy. Richard phát hiện vợ của mình không phản ứng khi anh vào phòng gọi cô. Tuyệt vọng, anh gọi cấp cứu tới ngôi nhà của họ ở Manchester (Anh). Tuy nhiên, nhân viên y tế cho biết Clare đã qua đời.
Richard nhớ lại: "Tôi vô cùng đau khổ, tôi đã hét lên. Tôi chạy vào phòng ngủ của con gái và gọi ngay cho cấp cứu. Mọi chuyện như không có thật, diễn biến thật nhanh”.
Sau đó, theo The Sun, nhân viên y tế phát hiện Clare, người sống cùng Richard và các con Harry, 16 tuổi và Alice, 15 tuổi, đã chết vì thuyên tắc phổi ngày 8/1.
Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc động mạch phổi thường do huyết khối. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi bao gồm đau nhói ngực bắt đầu đột ngột hoặc dần dần. Ngoài ra, người bệnh cũng bị khó thở, ho ra máu, chóng mặt…
Sinh ra và lớn lên ở Salford, Clare được nhận xét có tính cách sôi nổi, được mọi người yêu mến. Cô quan tâm tới gia đình, luôn dành thời gian rảnh rỗi cho người thân.
Richard tâm sự hai người con Harry và Alice vẫn đang phải vật lộn để chấp nhận sự ra đi của mẹ.
Sự ra đi của Clare không phải là bi kịch duy nhất ập đến với gia đình trong thời gian gần đây. Mẹ của Clare cũng đột ngột qua đời vào ngày 19/12.
Thuyên tắc phổi là gì?
Thuyên tắc phổi xuất hiện khi có một vật gây tắc nghẽn làm cản trở dòng máu chảy qua động mạch phổi. 90% trường hợp thuyên tắc phổi xuất phát từ cục máu đông hình thành trong bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Khoảng 80% các cục máu đông này sẽ tự tan biến mà không gây tắc mạch phổi, 20% còn lại có thể di chuyển đến tĩnh mạch chậu đùi và bị vỡ, cho phép một cục máu đông di chuyển lên tĩnh mạch chủ dưới và sau cùng lên phổi sẽ gây ra sự tắc nghẽn tại đó.
Bệnh thường khởi phát đột ngột bằng các triệu chứng hô hấp như khó thở, thở nhanh, ho ra máu, khò khè... Người bệnh cũng có thể có cảm giác đau ngực, choáng váng, tim nhanh, đo thấy huyết áp tụt. Nếu huyết khối lớn, gây tắc nghẽn một nhánh động mạch phổi lớn, bệnh nhân có thể nhanh chóng suy hô hấp, trụy tuần hoàn và ngưng tim ngưng thở.
Hơn 30% các trường hợp thuyên tắc phổi có triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới: một chân sẽ sưng phù, sờ thấy mát hơn chân bên kia, tê hoặc dị cảm, đau bắp chân tự nhiên hay khi gập bàn chân, kèm viêm tắc hệ tĩnh mạch nông dưới da...
Phòng bệnh thuyên tắc phổi như nào?
Do không có hoặc các triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, các xét nghiệm cũng gặp phải những khó khăn trong chẩn đoán thuyên tắc phổi,vì vậy, việc đánh giá mức độ nguy cơ bệnh nhân đang có, từ đó biết được xác suất mắc bệnh để có biện pháp dự phòng là cách tiếp cận tốt nhất.
Bệnh nhân có nguy cơ cao có nhiều cách để phòng bệnh như dùng các thuốc chống đông máu (heparin, enoxaparin, wafarin), sử dụng tất băng nịt giảm lượng máu ứ đọng tránh tạo thành cục máu đông.
Ngoài ra, có những cách để giảm nguy cơ thuyên tắc huyết khối như: rèn luyện, luyện tập thể dục thường xuyên; không nên nằm lâu ngày sau khi phẫu thuật, sau tai biến mạch máu não; sản phụ cần đi lại, nằm đúng tư thế để tránh cho thai không gây chèn ép tĩnh mạch chậu.
90% thuyên tắc phổi bắt nguồn từ huyết khối tĩnh mạch sâu, do vậy nên đến bác sĩ chuyên khoa khám nếu thấy dấu hiệu sưng to bất thường một chân, nặng chân, đau chân, cũng có thể đến bệnh viện lớn để làm siêu âm Doppler nếu có điều kiện.
Thùy Anh (T/h VietNamNet, Sức Khỏe& Đời Sống)
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nguoi-phu-nu-tu-41-tuoi-vong-trong-khi-ngu-du-truoc-do-chi-dau-vai-a23160.html