Có hay không việc ép đại lý mua "bia kèm lạc"?
Như đã đưa tin trước đó, sau phản ánh của báo chí về việc Apple Việt Nam cùng các nhà phân phối ép buộc các đại lý uỷ quyền phải nhập iPhone 14 kèm các sản phẩm phụ kiện khác như MacBook, AirPods, iPad... Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công thương đã có văn bản gửi tới các đại lý uỷ quyền Apple, yêu cầu cung cấp các thông tin xoay quanh vụ việc trên.
Theo đó, văn bản của Cục yêu cầu các đại lý uỷ quyền làm rõ 4 thông tin sau: (1) Hiện tượng bán kèm sản phẩm khác của Apple với sản phẩm iPhone 14; (2) Tỷ lệ sản phẩm không phải iPhone (non-iPhone) so với sản phẩm được yêu cầu mua kèm trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2022; (3) Quy định các điều khoản về bán kèm trong hợp đồng mua bán sản phẩm của Apple giữa doanh nghiệp hoặc đại lý, nhà phân phối với Apple; (4) Tác động tiêu cực của chính sách bán kèm sản phẩm non-iPhone đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các bên liên quan được yêu cầu cung cấp thông tin trước ngày 17/01/2023.
iPhone 14 và iPhone 14 Pro Max - Ảnh: Thế Duyệt
Theo nguồn tin của chúng tôi, một đại lý uỷ quyền giấu tên cho biết để nhập được một đơn hàng gồm 10 chiếc iPhone 14 Pro và Pro Max, đại lý phải nhập kèm theo 200 chiếc AirPods, 100 chiếc Apple Watch, 50 chiếc Apple Pencil và 200 chiếc ốp lưng chính hãng. Một đại lý khác cũng đã phải chấp nhận nhập kèm theo hàng nghìn máy MacBook để có nguồn cung iPhone 14.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một hệ thống bán lẻ uỷ quyền Apple tiết lộ đây là việc đàm phán riêng giữa nhà phân phối và các đại lý.
Vị này đưa ra quan điểm đại lý cần phải biết "lượng sức mình" chứ không thể nhập hàng ồ ạt được. "Việc này chỉ sai khi đại lý ép khách hàng phải mua 'lạc' kèm theo. Chúng tôi biết nhiều đại lý không tự lượng sức mình và nhập rất nhiều sản phẩm iMac và MacBook kèm theo, khi không bán được hàng thì quay lại tố ngược nhà phân phối và Apple", vị này chia sẻ.
Đồng quan điểm, anh Công Hậu, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời là reviewer kênh The Pixel khẳng định việc một hãng yêu cầu đại lý nhập thêm sản phẩm không phải là điều mới lạ tại Việt Nam. "Đây là vấn đề dựa trên hợp đồng giữa 2 bên và cần phải có sự đồng thuận của cả nhà phân phối và đại lý bán lẻ thì mới đi tới quyết định có nhập hàng hay không".
Người tiêu dùng hưởng lợi
Việc "ép" nhà bán lẻ nhập sản phẩm kèm sẽ giúp nguồn cung cao hơn nhu cầu của thị trường. Từ đó các sản phẩm nằm trong diện "lạc" kèm theo sẽ có mức giá ưu đãi bởi các đại lý cần phải "đẩy" hàng tồn trước khi muốn nhập thêm các sản phẩm mới. Điều này có thể một phần ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của nhà bán lẻ, tuy nhiên xét về người tiêu dùng cuối, đây lại là đối tượng được hưởng lợi nhất.
"Khi nguồn cung lớn hơn nhu cầu thì chắc chắn người dùng sẽ được hưởng lợi, bởi các nhà bán lẻ cần phải đẩy hàng tồn để không tồn đọng vốn. Minh chứng rõ rệt nhất là iPhone 14 giảm giá nhanh chóng vì rất nhiều hệ thống bán lẻ tồn đọng tài chính vì phải nhập kèm, trong khi nhu cầu của iPhone 14 bản thường và bản Plus tại thị trường Việt Nam là rất thấp", anh Công Hậu cho biết.
Theo một đại lý uỷ quyền giấu tên, trong vụ việc các nhà bán lẻ bị ép mua "bia kèm lạc", người tiêu dùng thực chất không bị thiệt hại gì, thậm chí còn được hưởng lợi lớn. "Khi nhập kèm 'lạc', các đại lý thường sẽ xả hàng giá rẻ nên đây sẽ là dịp mà người tiêu dùng được mua các sản phẩm giá tốt". Đại diện đại lý này cũng cho biết vấn đề chỉ xảy ra khi bên bán lẻ bắt khách hàng phải mua iPhone 14 Pro Max với giá vượt mức giá công bố, cũng như ép khách hàng mua thêm các sản phẩm phụ kiện kèm theo.
Tham khảo mức giá của iPhone 14 ở Việt Nam, dòng máy có giá niêm yết tại thời điểm ra mắt là 24,99 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ sau khoảng 3 giá, mức giá hiện tại của iPhone 14 chỉ còn 19,99 triệu đồng, tức mất tới 20% giá trị. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với phiên bản Plus.
Giá bán iPhone 14 tham khảo tại hệ thống FPT Shop, giảm từ 24,99 triệu còn 19,99 triệu sau 3 tháng ra mắt
Tại thời điểm ra mắt, thông tin từ các hệ thống bán lẻ uỷ quyền cho biết có tới 80 - 90% trong tổng số lượng người dùng đặt mua iPhone 14 lựa chọn phiên bản Pro Max, phiên bản có màn hình lớn nhất và có cấu hình phần cứng mạnh mẽ nhất. Đây cũng là phiên bản liên tục cháy hàng, bị "thổi" giá cao hơn do khan hiếm nguồn cung, trong khi nhu cầu của người dùng Việt đối với phiên bản này là rất cao.
Apple được cho là đã ép các nhà bán lẻ phải nhập thêm iPhone 14 và 14 Plus mới được có thêm nguồn cung iPhone 14 Pro và Pro Max. Điều này đã dẫn tới tình trạng thừa nguồn hàng iPhone 14 và gián tiếp làm giảm giá bán của 2 phiên bản giá rẻ.
Đặt lên bàn cân Galaxy S23 Ultra và iPhone 14 Pro Max: Đâu mới là 'con quái vật' thực sự?
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/vu-apple-ep-mua-bia-kem-lac-nguoi-tieu-dung-huong-loi-dai-ly-khong-biet-luong-suc-minh-a23186.html