Mua sắm thuốc, thiết bị y tế: Đấu thầu không phải phương án duy nhất

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (Đại biểu Quốc hội) cho rằng, “đấu thầu không phải phương án duy nhất” đối với việc cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế mà phải nâng cao tính tự chủ của các bệnh viện trên cơ sở đổi mới quy trình mua sắm.

Ngày 7/2, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị tại các bệnh viện, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM) cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối đã nhiều lần bàn thảo nhưng chưa tìm được lối ra. Điều đó đang gây nhiều khó khăn trong chuyên môn của lĩnh vực y tế và người chịu thiệt chính là bệnh nhân.

PGS.TS Phong Lan cho rằng, thiếu thuốc tại các bệnh viện có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, trong những năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, có những bệnh viện trúng thầu nhưng không lấy thuốc vì bệnh nhân không đến bệnh viện khám và điều trị do dịch bệnh. Các gói thầu bị hủy nhưng những đơn vị đã nhập thuốc về bị quá hạn sử dụng, nhiều công ty thiệt hại rất lớn. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các bệnh viện kêu gọi đấu thầu, hầu hết công ty không còn đủ nguồn lực để tham gia.

Ngoài ra, thiếu thuốc còn đến từ tình trạng cấp số đăng ký chậm trễ do bị đứt đoạn thủ tục giữa các quốc gia. Nhiều thuốc đến hạn nhưng không được gia hạn số đăng ký nên không còn đủ điều kiện để doanh nghiệp tham gia dự thầu. Tình trạng cấp số đăng ký ở Bộ Y tế hiện nay không quyết được vì những người liên quan sợ trách nhiệm. Điều đó dẫn đến hàng chục nghìn loại thuốc không có số đăng ký.

“Vừa qua, Quốc hội đã họp và quyết định cho phép gia hạn số đăng ký cho các loại thuốc trước khi hết hạn đăng ký. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có văn bản thông báo danh mục các loại thuốc được gia hạn cấp số đăng ký. Do đó, các công ty vẫn không dám sản xuất, nhập khẩu thuốc, đến khi bệnh viện cần thì không có nguồn cung ứng” - PGS.TS Phong Lan nói.

Mua sắm thuốc, thiết bị y tế: Đấu thầu không phải phương án duy nhất - Ảnh 1.

Hệ thống máy hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM ảnh: Vân Sơn

Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề là những vướng mắc trong đấu thầu. Hiện nay, bệnh viện đều đã được tăng quyền tự chủ nhưng thực tế là bệnh viện phải tự lo về tiền lương và chi phí vận hành. Việc mua sắm thuốc, vật tư y tế tiêu hao vẫn phải tuân thủ theo quy trình đấu thầu với quy định chọn mức giá rẻ nhất. Giải quyết bài toán thiếu thuốc cần nâng cao tính tự chủ của bệnh viện.

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, không phải chỉ căn cứ trên công bố của đơn vị sản xuất mà còn rất cần nhận xét thực tế để biết đâu là thuốc tốt, đáp ứng điều trị được cho nhiều người. Đây là vấn đề cần sự đánh giá của những người làm công tác chuyên môn. Tuy nhiên, trên thực tế việc đấu thầu không có tiêu chí đánh giá liên quan ý kiến của hội đồng điều trị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2023 trực tuyến với địa phương. Theo nội dung nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cơ chế tự chủ trong các cơ sở khám chữa bệnh, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, thu hút nguồn lực xã hội. Khẩn trương triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội, Nghị quyết số 144/NQ- CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn về vật tư, thiết bị, thuốc chữa bệnh của các cơ sở y tế. Hướng dẫn, bảo đảm lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.

PGS.TS Phong Lan đề xuất: “Một cách mạnh dạn, theo tôi, nếu không làm tốt được thì nên bỏ đấu thầu. Thay vào đó, chúng ta có thể dùng định suất. Hãy cố gắng sao cho bệnh viện công lập hoạt động như bệnh viện tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để họ tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, công tác quản lý sẽ ràng buộc bằng tiêu chí mỗi năm bệnh viện sẽ phải tiếp nhận, điều trị và đem lại sự hài lòng cho số lượng bệnh nhân cụ thể cùng cơ cấu bệnh tật. Từ thực tế trên, các bệnh viện sẽ tính định suất và dự trù kinh phí để tự thực hiện hoạt động mua sắm thuốc như bệnh viện tư nhân...

Mua sắm thuốc, thiết bị y tế: Đấu thầu không phải phương án duy nhất - Ảnh 3.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội TPHCM

Đại biểu Quốc hội này cho rằng, với phương án tính định suất, nếu cơ quan có thẩm quyền chưa đủ tự tin để cho phép áp dụng đồng loạt thì cần cho một số bệnh viện thí điểm. Các bệnh viện sẽ có trách nhiệm tự thương lượng với các công ty và tự mua sắm thuốc.

Nếu phải đấu giá thì nên đấu giá công khai, minh bạch với sự tham gia của các nhà cung cấp và sự đồng thuận của hội đồng điều trị cho người bệnh. Bệnh viện cần được tự quyết định mọi hoạt động của mình trong đó có mua sắm và trách nhiệm của bệnh viện là chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Cần có giá sàn

Về hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế, PGS.TS Phong Lan cho rằng: “Chi phí mua sắm trang thiết bị cho y tế mỗi năm rất lớn. Do đó, hoạt động mua sắm diễn ra rất chậm từ khâu thủ tục hành chính đến khâu đào tạo bác sĩ, đến khi đấu thầu mua thiết bị về thì thiết bị mua được đã bị lạc hậu. Từ thực tế trên cần phải tìm ra công thức thỏa đáng cho vấn đề mua sắm cũng như mượn máy, đặt máy tại các bệnh viện công lập để phát triển kỹ thuật hiện đại, giúp người bệnh được thụ hưởng”.

Hiện nay, việc đấu thầu vật tư thiết bị y tế chưa có giá sàn, điều này khiến các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong mua sắm. Ngoài những trường hợp cố ý lách luật, vi phạm để trục lợi thì nhiều người vì muốn phát triển bệnh viện nên đã nỗ lực để mua sắm nhưng khi bị thanh tra lại vô tình đối mặt với những sai phạm, vướng vào vòng lao lý. Điều này khiến tất cả đều thiệt hại.

Theo PGS.TS Phong Lan, cơ chế thị trường, kinh doanh thì phải có lãi, những mặt hàng hiếm thì giá phải cao. Nếu lấy tiêu chí rẻ để đấu thầu thì cần phải có mặt bằng giá và cho phép giá trị thặng dư là bao nhiêu. Do đó, cần phải nhìn vào thực tế để thấy chúng ta đang can thiệp quá nhiều vào cơ chế thị trường.

"Nếu không có phương án giải quyết hài hòa thì các bệnh viện sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng bác sĩ giỏi nhưng thuốc không đủ, trang thiết bị không đủ, người giỏi sẽ tiếp tục rời bỏ bệnh viện công", bà Lan cho rằng, nếu tiếp tục triển khai đấu thầu máy móc, trang thiết và vật tư y tế thì khi xây dựng quy định đấu thầu cần tham khảo giá của thị trường quốc tế. Các bộ, ngành liên quan sẽ có nhiệm vụ phân tích giá cả trên cơ sở thương lượng với chính hãng, sau đó đưa ra mức giá sàn cho từng thời điểm. Khi có giá sàn của hãng trên thị trường quốc tế thì giá mua sắm tại Việt Nam sẽ không thể đội lên cao, từ đó ngăn chặn được các sai phạm. Mặt khác, Bộ Y tế nên tính toán nhu cầu vật tư, trang thiết bị của các bệnh viện, từ đó đề xuất các bệnh viện trên cả nước mua sắm những loại máy móc, thiết bị phù hợp.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/mua-sam-thuoc-thiet-bi-y-te-dau-thau-khong-phai-phuong-an-duy-nhat-a23339.html