Theo Science Alert, lần đầu tiên các nhà thiên văn đã tìm thấy bằng chứng cụ thể về sự "di cư" hàng loạt của các ngôi sao cổ đại vào một thiên hà khác. Đó là gần 7.500 ngôi sao kỳ lạ trong thiên hà Tiên Nữ (Andromeda, còn gọi là M31), "hàng xóm" gần nhất của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).
Sử dụng Thiết bị quang phổ năng lượng tối (DESI), các nhà khoa học Mỹ đã thu thập dữ liệu quang phổ để lập bản đồ các ngôi sao bên trong Tiên Nữ. Bản đồ này bao gồm chuyển động của các ngôi sao kỳ lạ nói trên ở quầng bên trong của thiên hà.
Thiên hà Tiên Nữ - Ảnh: ESA
Theo bài công bố trên tạp chí Astrophysical Journal, vị trí và cách chuyển động cho thấy 7.500 ngôi sao nói trên không phải sao "bản địa" của Tiên Nữ, mà chỉ đến với nó khoảng 2 tỉ năm trước.
Điều này chỉ ra một giai đoạn lịch sử kinh hoàng: Rõ ràng Tiên Nữ đã nuốt chửng một thiên hà nào đó và tước lấy những ngôi sao này.
Hành vi này cũng từng được quan sát ở Ngân Hà của chúng ta. Nó đang dần hấp thụ một số ngôi sao từ các thiên hà lùn vệ tinh là Đám mây Magellan Lớn, Đám mây Magellan Nhỏ và thiên hà hình elip lùn Sagittarius. Các nghiên cứu trước đây cho thấy Ngân Hà từng có gần 20 "nạn nhân" như vậy.
Quan sát mới này như một bằng chứng cụ thể khẳng định các nghiên cứu lý thuyết trước đây về việc các thiên hà "quái vật" trong vũ trụ như Ngân Hà hay Tiên Nữ đã đạt được kích cỡ ngoạn mục nhờ nuốt chửng các thiên hà khác như thế nào; đồng thời khẳng định lịch sử của Tiên Nữ cũng giống Ngân Hà.
"Các thiên hà như Tiên Nữ và Ngân Hà được tạo nên từ các "khối xây dựng" của nhiều thiên hà nhỏ hơn trong lịch sử vũ trụ" - nhà thiên văn Arjun Dey từ trung tâm nghiên cứu NOIRLab (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, nhận định.
Tuy gọi là bị nuốt nhưng các ngôi sao "ngoại nhập" thường mang nhiều đặc điểm nhận diện dù trải qua hàng tỉ năm: Tính kim loại khác biệt, chuyển động thất thường...
Khoảng 2-4 tỉ năm nữa, có tới 2 vụ va chạm thiên hà khác được các nhà khoa học dự báo: Đó là va chạm giữa Ngân Hà với Đám mây Magellan Lớn và Tiên Nữ, vốn đều đang lao về phía chúng ta. Có thể Ngân Hà tiếp tục nuốt Đám mây Magellan Lớn vì có kích thước lớn hơn rất nhiều, trong khi vụ va chạm với Tiên Nữ sẽ khó dự đoán bởi cả hai đều là dạng thiên hà "quái vật" của vũ trụ.
Các cú va chạm thiên hà có thể sẽ không hủy diệt Trái Đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng ít nhất nó sẽ gây ra một đại thảm họa, vì kịch bản "nhẹ nhàng" nhất có thể là việc Trái Đất bị đẩy đi một chút - đủ để văng khỏi "vùng sự sống" của hệ Mặt Trời.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/phat-hien-hanh-vi-dang-so-cua-vat-the-co-the-hat-vang-trai-dat-a23894.html