'Mộng bình thường' - vẻ đẹp dân gian và đương đại trong thiết kế

Triển lãm thời trang "Mộng bình thường" của nhà thiết kế Thủy Nguyễn là sự giao thoa giữa văn hóa dân gian và nghệ thuật đương đại.

Sau gần một tháng xây dựng, sắp đặt, Thủy Nguyễn giới thiệu triển lãm tại Hà Nội tối 16/2. So với lần ra mắt tại TP HCM năm 2021, lần này Mộng bình thường được bài trí gọn gàng hơn, thay đổi một số bối cảnh. Trong đó, nhà thiết kế lược bỏ căn phòng Đong đầy ký ức vì "Hà Nội là nhà, tất cả những thứ của Thủy đều đã ở đây".

Triển lãm kéo dài đến ngày 26/3, lấy cảm hứng từ ca khúc Ngậm ngùi (Phạm Duy). Sự kiện quy tụ hơn 100 hiện vật, trong đó có 60 bộ trang phục tái hiện dấu ấn của Thủy Nguyễn qua hơn 10 năm làm nghề. Các thiết kế xoay quanh câu chuyện của cô về tình mẫu tử, quê hương, đời sống tâm linh và thiên nhiên. Hình ảnh trong tục ngữ, đồng dao, truyền thuyết, mỹ thuật dân gian Việt kết hợp đường nét cách tân, kỹ thuật xử lý chất liệu hiện đại, tạo nên các thiết kế ấn tượng.

Lấy cảm hứng từ vở cải lương Mỵ Châu, nhà thiết kế sắp đặt sân khấu theo phong cách tuồng cổ, trưng bày hai mẫu áo thêu nổi trên vải phi thô trong bộ sưu tập năm 2019.

Triển lãm chủ yếu tập trung vào áo dài đa kiểu dáng, chất liệu. Nhà thiết kế đem lại hơi thở mới cho tà áo truyền thống qua đường cắt, chất liệu, họa tiết và màu sắc.

Nổi bật là áo dài gấm năm 2015 và áo dài cách tân không vai, tựa chiếc đầm cúp ngực ra mắt ở Rome cùng năm. Ngoài ra, khán giả có thể chiêm ngưỡng áo dài tối giản trong bộ sưu tập Gió mùa về, Viên mãn, Tình tang, Mộng mị. Hầu hết trang phục đi kèm phụ kiện mấn, khuyên tai ngọc trai, guốc gỗ.

Thủy Nguyễn thích nhất gian phòng Ở trọ trần gian - nơi cô cho rằng gợi nhiều suy nghĩ trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai những năm qua.

Không gian Đôi vầng nhật nguyệt là sự giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối, đen và trắng. Những ý niệm tương phản thể hiện trên áo dài của Thủy Nguyễn qua cách đính kết cườm, đá, sequin, tạo thành họa tiết thiên nhiên trên nền vải taffeta.

Phố phố phường phường tái hiện ký ức về Hà Nội xưa. Những mảng, khối trên áo dài giống hình những viên gạch. Một số thiết kế lấy cảm hứng từ mái cong trong đình chùa hay khung cửa chớp ở nhà Thủy Nguyễn những ngày mùa đông xưa. Các chất liệu gồm gấm, phi dẻo, organza cùng phương pháp in kỹ thuật số được khai thác triệt để.

Cuộc chơi màu sắc của Thủy Nguyễn thể hiện rõ nét trong gian trưng bày Lầu son gác tía. "Tôi xem màu sắc là phương tiện để bộc lộ tâm tư theo cách kín đáo mà vẫn nồng nhiệt, như là phép ẩn dụ về cảm xúc", cô nói. Mỗi sắc màu xanh, đỏ, hồng, vàng, tím, cam... mang ý nghĩa riêng, có thể phát đi thông điệp về cá tính, sự tự do và sức mạnh.

Ngoài màu sắc, trong phần này, tận dụng những mảnh vải thừa, Thủy Nguyễn tạo các phom dáng phồng, đường cắt cong để thể hiện nét lãng mạn và mềm mại.

Giám tuyển người Australia - Dolla Merrillees - chọn tác phẩm ở triển lãm. Cô nhận xét: "Thủy Nguyễn chú trọng vào tính tạo hình, kỹ thuật trang trí hay phóng đại, sự kịch tính và hòa sắc rực rỡ. Các thiết kế cho thấy sự hiểu biết về tính cộng sinh giữa truyền thống và phát triển, giữa Đông và Tây".

Thủy Nguyễn sinh năm 1981 ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhận bằng tiến sĩ tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc Quốc gia Kiev, Ukraine. Cô có 20 năm thực hành hội họa trên nhiều chất liệu. Năm 2016, cô thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, nhằm kết nối cộng đồng nghệ sĩ, thiết kế, sáng tạo.

Năm 2019, tạp chí Forbes vinh danh cô là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Ngoài hội họa, Thủy Nguyễn phát triển song song thiết kế thời trang, ra mắt bộ sưu tập đều đặn mỗi năm.

Ý Ly (ảnh: Thy Giang)

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/mong-binh-thuong-ve-dep-dan-gian-va-duong-dai-trong-thiet-ke-a23964.html