Nghiên cứu: Thứ ngọt ngào 'ẩn mình' trong thực phẩm có thể tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ

Nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng ăn quá nhiều đường bổ sung có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Mối liên hệ giữa đường bổ sung và bệnh tim mạch

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, đường bổ sung là loại đường được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm; được đóng gói dưới dạng đường ăn. Chúng khác với các loại đường tự nhiên có trong sữa hoặc trái cây và rau củ với cấu trúc nguyên vẹn.

Các tác giả của nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu về chế độ ăn uống và sức khỏe của hơn 110.000 người trong ngân hàng dữ liệu Biobank của Anh. Những người tham gia nghiên cứu sẽ thực hiện từ 2-5 đánh giá liên quan chế độ ăn uống trong 24 giờ, bản đánh giá sẽ ghi lại lượng thức ăn và đồ uống của họ mỗi ngày.

Sau hơn 9 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng đường bổ sung hấp thụ cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và béo phì.

Theo đó, hấp thụ nhiều đường bổ sung hơn cũng có thể ảnh hưởng nồng độ chất béo trung tính trong cơ thể. Lượng chất béo trung tính cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, đau tim và đột quỵ.

Brooke Aggarwal, phó giáo sư khoa tim mạch của Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia cho biết: "Đường bổ sung có thể thúc đẩy tình trạng viêm trong cơ thể và điều này có thể gây căng thẳng cho tim và mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch khác".

PGS Aggarwal cho biết: "Đường bổ sung thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến sẵn, có ít giá trị dinh dưỡng. Sử dụng quá nhiều đường bổ sung khiến cơ thể hấp thụ lượng calo dư thừa, từ đó dẫn đến thừa cân, béo phì. Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim".

Nghiên cứu: Thứ ngọt ngào ẩn mình trong thực phẩm có thể tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Đường bổ sung có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Giảm lượng đường bổ sung

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ gợi ý rằng phụ nữ tiêu thụ không quá 24 gam đường bổ sung/ngày và nam giới không quá 36 gam đường bổ sung mỗi ngày.

Giáo sư Leana Wen, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học George Washington cho biết để giảm thiểu lượng đường bổ sung, bạn có thể xem thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm ngay từ khi mua đồ.

Ngoài ra, PGS Maya Adam về nhi khoa lâm sàng tại Trường Y thuộc Đại học Stanford cho biết: "Khi chúng ta mua thực phẩm đóng gói sẵn (ngay cả những loại thực phẩm không ngọt như bánh mì, ngũ cốc ăn sáng, sữa chua,... chúng đều được thêm đường bổ sung". Vì vậy, hãy tập thói quen đọc thành phần dinh dưỡng để xác định được lượng đường bổ sung chứa trong từng loại thực phẩm.

Bên cạnh đó, PGS Aggarwal đề nghị mọi người nên cắt giảm đồ uống có đường và thay vào đó hãy ăn thêm trái cây. Bạn cũng có thể dùng trái cây tươi để tráng miệng thay vì ăn các món như bánh ngọt, bánh quy hoặc kem. Các loại trái cây tươi chứa đường tự nhiên và giàu chất xơ do đó chúng không gây ảnh hưởng tới lượng đường trong máu.

Nghiên cứu: Thứ ngọt ngào ẩn mình trong thực phẩm có thể tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nên ăn trái cây tươi thay vì các món tráng miệng chứa nhiều đường.

Cuối cùng, PGS Adam cho biết, việc nấu nướng tại nhà cũng là một trong những cách để kiểm soát và giảm thiểu lượng đường trong chế độ ăn uống.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nghien-cuu-thu-ngot-ngao-an-minh-trong-thuc-pham-co-the-tang-nguy-co-dau-tim-dot-quy-a24085.html