Các bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gần đây liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do bị các tai nạn, thương tích trong sinh hoạt như ngã, nuốt dị vật, bỏng…
Suýt mù mắt, mất tay vì pháo và súng tự chế
Ngày 20/2, bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.Hồ Chí Minh) cho biết, mới đây kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật lấy được dị vật là một viên đạn chì với kích thước 5mm cắm sâu vào xương sọ ngay trên ổ mắt phải cho bé trai 10 tuổi ngụ tại huyện Cần Giờ. Đây là tai nạn rất nghiêm trọng, nếu viên đạn găm vào thấp hơn vài cm bé có thể bị mù mắt, nhưng may mắn viên đạn nằm ở vị trí không bị ảnh hưởng tới mắt hoặc não bé.
Người nhà bệnh nhi cho biết, bé gặp tai nạn khi đang chơi cùng bạn. Trong lúc không có người lớn, bé và bạn đã lấy cây súng hơi loại đi bắn chim, chuột để chơi. Do không biết có đạn bên trong cây súng nên bạn của bé đã vô tình bóp cò làm viên đạn chì thoát ra khỏi nòng súng, cắm vào cung mày mắt phải. Bé được gia đình đưa ngay vào bệnh viện địa phương sơ cứu trước khi đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho biết, gần đây, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi 11 tuổi ngụ tại Bình Dương, được gia đình đưa đến trong tình trạng bỏng nặng vùng ngực, mất bàn tay phải, vỡ nhãn cầu trái do học làm pháo tự chế trên mạng.
Liên quan đến các thương tích do pháo, mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) đã tiếp nhận một bé trai 5 tuổi ngụ tại Tp.Hồ Chí Minh đến bệnh viện cấp cứu với lòng bàn tay bị bỏng, bong da vùng mô mềm ngón trỏ và mô ngón cái, vết thương xém đen và có dị vật là xác pháo nằm bên dưới. Qua khai thác bệnh sử, ghi nhận bệnh nhi chơi trước nhà hàng xóm có các anh lớn chơi đốt pháo viên, trẻ nhặt được một viên pháo xem thử và bất ngờ viên pháo nổ gây tổn thương bàn tay phải. Người nhà phát hiện đã đưa trẻ nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Ngoài các thương tích nghiêm trọng do súng hay do trẻ nghịch pháo, các bệnh viện còn tiếp nhận các trường hợp trẻ bị các vật nhọn gây thương tích hay nuốt dị vật. Cụ thể như, trong đầu tháng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bệnh nhi 3 tuổi bị dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng quằn quại, được bác sĩ kiểm tra phát hiện trong đường tiêu hóa có nhiều dị vật xếp thành hình vòng tròn. Trong quá trình phẫu thuật lấy dị vật, bác sĩ phát hiện 14 viên nam châm hít vào nhau đã khiến bệnh nhi bị thủng ruột. Hay trường hợp bệnh nhi nô đùa bị kéo đâm vào chân gây tổn thương nghiêm trọng.
Phụ huynh bảo vệ trẻ như thế nào?
Theo các bác sĩ, trẻ bị tai nạn thương tích chủ yếu vẫn do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi. Các tai nạn thương tích thường xảy ra nhiều nhất vào thời điểm trẻ nghỉ học như các ngày lễ, Tết, nghỉ hè. Những tai nạn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ như bị thương tật suốt đời, mất đi khả năng học tập, lao động và để lại tổn thương tâm lý nặng nề, thậm chí có thể cướp đi tính mạng của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thành Danh, đơn vị Mắt, khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trẻ bị vỡ nhãn cầu không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể mất thị lực vĩnh viễn. Nếu vỡ nhãn cầu nhẹ, trẻ được bảo tồn bằng cách khâu lại vết rách hoặc bơm dịch, bơm khí để giữ áp suất nhãn cầu. Tình trạng nặng hơn, các tổ chức bên trong nhãn cầu lồi ra, khả năng bảo tồn thấp và gây mất chức năng nhìn. Về lâu dài, trẻ có nguy cơ mắc nhãn viêm giao cảm, ảnh hưởng chức năng thị lực của mắt còn lại.
Nguyên nhân gây vỡ nhãn cầu chủ yếu từ các tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông và tai nạn do hỏa khí; thường gặp nhiều nhất là các trường hợp tai nạn sinh hoạt do trẻ nhỏ tiếp cận các động vật như chim, cò. Bên cạnh đó là những trường hợp do tai nạn giao thông, trẻ thường bị chấn thương các vùng đầu, mặt.
Trước nhiều trường hợp vỡ nhãn cầu, bác sĩ Nguyễn Thành Danh lưu ý, phụ huynh cần bảo vệ con trẻ khỏi các tác nhân gây hại; đảm bảo trẻ không nghịch phá các loại súng hơi, các loại pháo và tuyệt đối không sử dụng các hợp chất chế pháo. Hạn chế hoặc có kính bảo vệ mắt khi trẻ đến gần các động vật như chim, cò. Ngay khi xảy ra tai nạn liên quan đến mắt cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở điều trị nhãn khoa gần nhất để sớm được can thiệp.
Trước nhiều tai nạn sinh hoạt liên quan đến các loại vật dụng có tính sát thương như các loại súng tự chế, súng đạn chì ở những vùng nông thôn dùng để bắn chim, bắn gà, bác sĩ Lê Quang Mỹ khuyến cáo phụ huynh không nên sử dụng vì việc này rất nguy hiểm, trẻ nhỏ hiếu động có thể gây tai nạn đe dọa tính mạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng, các tai nạn thương tích tại nhà trẻ trong nhóm từ 1 - 7 tuổi có thể gặp phải như: dị vật đường thở, bỏng, ngạt nước… Do đó, cách phòng ngừa chung nhất là luôn giữ trẻ, để ý trẻ cẩn thận. Phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ chơi nam châm hoặc các món đồ có kích thước nhỏ hơn 5cm. Khi nghi ngờ con em mình nuốt phải dị vật, phải đưa ngay trẻ đến bệnh chuyên khoa nhi để được chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Để phòng ngừa các tai nạn thương tích ở trẻ, bác sĩ khuyến cáo các cửa sổ đều có lưới che chắn, cầu thang gác có nắp đậy; cửa ra vào lan can đóng, khóa cẩn thận; các ổ điện có nút đậy, bàn ủi, pô xe, bình nước sôi… để cao xa tầm với trẻ; xô nước được đậy kín hoặc trút hết nước ra; hồ non bộ ít nước, các đồ trang trí bằng điện, kết nối dây kẽm phải được che chắn; các bình bông, vật nặng, tủ bàn được cố định tránh ngã đổ; các loại hóa chất, xăng dầu, thuốc men, các vật dụng sắc nhọn… để xa tầm với của trẻ.
Theo Báo Tin Tức
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/canh-bao-tre-nhap-vien-do-tai-nan-trong-sinh-hoat-a24281.html