Nhiều bệnh viện lớn sắp cạn hoá chất, vật tư y tế

Lãnh đạo một bệnh viện lớn cho biết hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng trong 1 tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Đáng nói, việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế vẫn rất khó khăn trong nhiều tháng qua.

Bệnh viện loay hoay vì thiếu hóa chất, vật tư y tế

Nhiều bệnh viện cho biết đang khó khăn, thậm chí cầm cự để duy trì hoạt động trong bối cảnh không thể đấu đầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế do vướng mắc tại các quy định hiện hành.

Tại báo cáo gửi Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế, Bệnh viện Việt Đức cho biết dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến 31-12-2023 chưa được phê duyệt, điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế...

Nhiều bệnh viện lớn sắp cạn hoá chất, vật tư y tế - Ảnh 1.

Nhiều bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc mua sắm vật tư, thiết bị y tế để thực hiện khám chữa bệnh.

Trong số này, bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...

"Hiện tại hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng 1 tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh"- báo cáo của Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Lãnh đạo một số bệnh viện cũng cho biết Nghị định 98 quy định: "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán". Tuy nhiên, Nghị định cũng chưa quy định thời điểm nào là thời điểm mua bán (thời điểm lập dự toán, thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thời điểm ký hợp đồng hay thời điểm xuất hóa đơn...), do vậy gây khó khăn cho các bệnh viện trong việc xây dựng dự toán, đánh giá hồ sơ dự thầu, thực hiện hợp đồng.

Nhiều bệnh viện lớn sắp cạn hoá chất, vật tư y tế - Ảnh 2.

Một máy kỹ thuật cao đang phải "đắp chiếu" tại Bệnh viện Bạch Mai

Liên quan đến việc mua sắm hóa chất xét nghiệm sử dụng cho các hệ thống xét nghiệm, báo cáo của Bệnh viện Việt Đức cho biết hiện nay trên thị trường hệ thống máy xét nghiệm chủ yếu là hệ thống máy đóng. Vì vậy, bệnh viện đang gặp một số khó khăn như:

Tình huống số 1: Bệnh viện mua máy hoặc thuê máy xét nghiệm thì đồng nghĩa với việc bệnh viện phụ thuộc vào hóa chất sử dụng cho máy đó trong suốt dòng đời của máy hay trong thời gian thuê, điều này dẫn đến không có tính cạnh tranh trong mua sắm hóa chất sinh phẩm sử dụng trong xét nghiệm.

Tình huống số 2: Bệnh viện thực hiện thuê máy hoặc liên doanh liên kết theo hướng dẫn của Nghị định 151/2017/NĐ-CP thế nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn cách xác định giá trị thương hiệu đối với các bệnh công lập.

Tình huống số 3: Hiện nay tại tất cả các bệnh viện đấu thầu hóa chất chạy máy, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp các giải pháp để triển khai xét nghiệm bao gồm phần mềm kết nối với mạng LIS, máy xét nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, bảo hành, bảo trì... Tuy nhiên, hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động này. Bên cạnh đó, danh mục các mặt hàng hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao thông thường chưa được chuẩn hóa nên khi tra cứu và so sánh giá vô cùng khó khăn, dẫn tới phát sinh nguy cơ sai sót trong quá trình thực hiện đấu thầu...

Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, thay thế linh kiện, sửa chữa trang thiết bị y tế. Việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế gặp khó khăn do đơn vị không xác định được giá phù hợp.

"Hiện chúng tôi đã thiếu tất cả các máy phục vụ cho điều trị, trong đó trầm trọng nhất là thiết bị phục vụ chẩn đoán hình ảnh, thiết bị chẩn đoán, điều trị trong y học hạt nhân và ung bướu. Là một bệnh viện hạng đặc biệt với trung tâm điều trị ung bướu hàng ngày tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân ung thư nhưng tại thời điểm này trung tâm không có máy xạ trị, Pet CT, cộng hưởng từ…"- lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Cách đây 3 tuần máy X-quang chụp tuyến vú của Bệnh viện Bạch Mai đã phải "đắp chiếu" do không đủ 3 báo giá cho bóng đèn thay thế. Theo lãnh đạo bệnh viện với số lượng bệnh nhân khoảng 5.000 – 7.000 bệnh nhân/khám mỗi ngày, việc máy hỏng hóc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện hiến kế quản lý giá trang thiết bị

Với hàng loạt khó khăn trong việc mua sắm, sử dụng thiết bị xét nghiệm thuộc diện máy đặt, máy mượn, một chuyên gia y tế cho biết theo quy định mới nhất, các hợp đồng ký sau tháng 11-2022 (thời hạn hợp đồng kéo dài đến cuối năm 2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, sau năm 2023 thì sử dụng thiết bị ở đâu để xét nghiệm, nguồn đầu tư ở đâu... thì hiện nay chưa có.

"Để tìm "lối ra" cho vướng mắc chung của hầu hết các bệnh viện đang sử dụng nguồn máy xã hội hoá, máy mượn, máy đặt thì nên thực hiện đấu thầu mua hóa chất, nếu trúng thầu hóa chất thì đơn vị cung ứng sẽ mang máy đến để cơ sở y tế sử dụng hóa chất. Thực tế, chất lượng máy đạt yêu cầu sử dụng hay không trước đó đã được cơ quan chức năng đánh giá, kiểm chuẩn hàng năm"- một chuyên gia nêu quan điểm.

Nhiều bệnh viện lớn sắp cạn hoá chất, vật tư y tế - Ảnh 3.

Nhiều chuyên gia đề xuất nên định trần đối với giá thiết bị y tế.

Tháo gỡ khó khăn do đơn vị không xác định được giá thiết bị, vật tư y tế phù hợp, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đề xuất mong muốn nhà nước nên có quy định chặt chẽ, rõ ràng về giá thiết bị y tế. Đơn cử, nên quy định về mức độ chênh lệch giá bán ra so với giá gốc bởi hiện nay bệnh viện không biết mua giá nào là hợp lý, vì giá các thiết bị, vật tư do các đơn vị cung cấp tự quyết định, còn bệnh viện không thể đủ khả năng thẩm định giá.

Liên quan đến những khó khăn trong việc mua sắm thiết bị y tế, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y), cho biết việc đấu thầu mua sắm công phải thực hiện theo luật Đấu thầu và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính. Nếu các đơn vị có khó khăn vướng mắc lại tổng hợp lại, để Bộ Y tế sẽ đề xuất, sửa đổi.

Theo ông Lợi, hiện trong nước chưa có quy định về mức lợi nhuận, chênh lệch của giá gốc với giá bán ra thị trường, không có quy định giá trần. Thời gian tới khi làm luật về thiết bị y tế, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, tìm hiểu quy định của các nước về vấn đề này như thế nào để có những sửa đổi phù hợp.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nhieu-benh-vien-lon-sap-can-hoa-chat-vat-tu-y-te-a24421.html