SMW3 là tuyến cáp quang biển dài nhất thế giới (39.000km), kết nối các vùng Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu.
Tại Việt Nam, tuyến cáp này cập bờ tại Đà Nẵng. Đây là tuyến cáp hoạt động lâu đời nhất ở Việt Nam, dự kiến hết hạn sử dụng vào 2024. Với việc SMW3 gặp sự cố, việc truy cập Internet đi quốc tế của Việt Nam thêm phần khó khăn.
Trước đó, các tuyến cáp APG, AAG, IA và AAE-1 đều gặp sự cố một phần hoặc toàn phần. Đây là sự cố đứt cáp quang biển nghiêm trọng nhất lịch sử. Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, sự cố làm mất kết nối khoảng 75% lưu lượng quốc tế trên các tuyến cáp quang biển thời điểm nghiêm trọng nhất.
Cả 5/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố một phần hoặc toàn phần.
Theo kế hoạch sửa chữa, sự cố trên nhánh S6 của tuyến APG sẽ được khắc phục vào khoảng thời gian từ ngày 23-27/3, lỗi trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản sẽ được sửa chữa trong tháng 4/2023.
Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa trong thời gian từ ngày 5-13/4. Các sự cố trên tuyến AAG dự kiến cũng sẽ được khắc phục trong thời gian từ ngày 26/2-15/4. Riêng cáp quang AAE-1 chưa có lịch sửa chữa cụ thể.
Trước thực trạng internet đi quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các biện pháp gồm tăng dung lượng băng thông qua cáp quang đất liền, cân tải dung lượng và chia sẻ, ứng cứu lưu lượng đi quốc tế cho nhau.
Đại diện VNPT cho biết, từ 18/2, nhà mạng này bổ sung thêm 30% dung lượng băng thông quốc tế từ các tuyến cáp đất liền theo hướng qua Campuchia/Thái Lan đến Singapore và qua Trung Quốc đến Hồng Kông (Trung Quốc). Đại diện Viettel cũng cho biết đã đầu tư bổ sung thêm 30% dung lượng đường truyền quốc tế đồng thời sẵn sàng bổ sung tiếp 400Gbps trong tháng 2 khi chờ sửa chữa các tuyến cáp biển bị đứt.
Ông Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ thêm, cùng với việc khắc phục sự cố, Việt Nam phải triển khai thêm các tuyến cáp quang biển với nhiều hướng kết nối khác nhau do các doanh nghiệp Việt Nam chung tay xây dựng.
Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển mới, đến 2030 phấn đấu thêm 4-6 tuyến cáp quang.
Trong đó, Viettel đã lên kế hoạch triển khai thêm 4 tuyến cáp biển từ nay đến năm 2030. Tuyến cáp ADC hiện đã hoàn thành triển khai cập bờ và dự kiến đưa vào hoạt động trong Quý 3/2023. Tuyến ADC có dung lượng 18.000Gbps, giúp nâng gấp 3 lần dung lượng hiện tại của Viettel.
Đại diện VNPT cũng cho biết đã và đang đầu tư thêm 4 tuyến cáp biển mới, trong đó tuyến SJC 2 dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/tuyen-cap-quang-bien-thu-5-ket-noi-viet-nam-di-quoc-te-gap-su-co-a24467.html