Ngày 21/2, BS Trần Nguyễn An Huy, Trưởng khoa Nội Tim mạch – Tim mạch can thiệp Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp đặc biệt nguy kịch. Bệnh nhân là cụ bà bà P.T.Đ (81 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức) được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu sau một đêm ho có đờm, khó thở, mệt nhiều.
Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Qua các kết quả xét nghiệm, đo điện tâm đồ, chụp X-quang tim phổi và siêu âm tim tại giường bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, suy hô hấp, viêm phổi.
Khi đang thở ô xy và được theo dõi liên tục, bệnh nhân đột ngột lịm đi rồi ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản, thở máy, tiêm adrenaline… giúp bệnh nhân có nhịp tim trở lại.
Bệnh nhân may mắn vượt qua nguy kịch sau khi được bác sĩ can thiệp tái thông mạch vành
BS Phạm Hoàng Thiên, Phó khoa Cấp cứu cho biết: “Đây là một dạng nhồi máu cơ tim cấp nghiêm trọng, khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân ngưng tim do động mạch vành có nhiệm vụ nuôi tim bị tắc nghẽn, cần được can thiệp tái thông ngay lập tức. Vì cụ đã lớn tuổi, lại có bệnh nền nguy cơ tim mạch cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu đã lâu, lại thêm bị ngưng tim, nên tỷ lệ tử vong rất cao”.
Ngay sau đó, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, huy động lực lượng chuyên môn cứu chữa bệnh nhân. Tại phòng thông tim can thiệp, kết quả chụp mạch vành ghi nhận người bệnh bị tắc nghẽn mạch vành (đoạn LAD - một nhánh mạch vành quan trọng để nuôi bên trái của tim). Ê kíp bác sĩ đã tiến hành đặt stent tái thông mạch vành bị tắc nghẽn. Sau can thiệp, sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục tốt.
Từ trường hợp trên, BS Trần Nguyễn An Huy khuyến cáo, trong cộng đồng có rất nhiều người lớn tuổi mắc cùng lúc nhiều bệnh lý nền như, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid… các bệnh lý mạn tính không lây này đang có xu hướng trẻ hóa. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát được bệnh lý nền và không phát hiện kịp thời những dấu hiệu cảnh báo.
BS An Huy khuyến cáo những người có bệnh lý nền cần được theo dõi và kiểm soát tốt các vấn đề về sức khỏe. Khi có các dấu hiệu bất thường như cảm giác bị đè nặng, ép chặt hay đau vùng ngực, cảm giác này có thể lan đến vai, cổ, hàm, tay hoặc lưng; bên cạnh đó là tình trạng khó thở, choáng váng, đổ mồ hôi lạnh, bệnh nhân nên nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra, can thiệp kịp thời, hạn chế những tổn thương nặng do nhồi máu cơ tim gây ra.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/cu-ba-dot-ngot-ngung-tim-vi-nguyen-nhan-hang-loat-nguoi-dang-doi-mat-a24470.html