Không có tinh trùng
Thạc sĩ, bác sĩ Cao Hữu Thịnh – Bệnh viện Từ Dũ, cho biết tỷ lệ nam giới tới khám vô sinh do không có tinh trùng ngày càng nhiều hơn. BS Thịnh kể, có trường hợp hai vợ chồng cùng là công nhân ở Biên Hoà, Đồng Nai, kết hôn 3 năm không có con nhưng vì dịch bệnh nên chưa đi khám vô sinh.
Khi đến phòng khám của bác sĩ Thịnh kiểm tra, kết quả cho thấy người chồng không có tinh trùng nào trong tinh dịch, tức là xuất tinh chỉ có nước. Người vợ thì suy buồng trứng sớm, không có trứng để có thể thụ thai.
BS Thịnh cho biết cơ hội duy nhất là tìm tinh trùng của chồng. Nếu người chồng may mắn có tinh trùng trong tinh hoàn thì bác sĩ sẽ gắp những chú tinh trùng này ra trữ đông, sau đó chờ người hiến trứng để xin trứng. Khi đó, cặp vợ chồng mới hi vọng có con.
Một trường hợp khác, hai vợ chồng trẻ mới 25 tuổi từ miền Tây đến khám. Người chồng này không thể xuất tinh. Hai vợ chồng quan hệ mệt thì nằm nghỉ, cậu nhỏ tự xỉu còn tinh trùng mãi không xuất hiện. Đây là lý do mà hai vợ chồng kết hôn cả năm vẫn chưa có con. Bác sĩ hướng dẫn người bệnh vào viện làm sinh thiết tinh hoàn tìm tinh trùng để nhờ hỗ trợ sinh sản.
Với các trường hợp không có tinh trùng, bác sĩ có thể điều trị theo nguyên nhân không có tinh trùng. Nếu trong trường hợp điều trị thành công, người bệnh có thể có con tự nhiên. Còn đại đa số, người chồng không có tinh trùng thì cặp vợ chồng nên làm can thiệp hỗ trợ sinh sản để tìm kiếm hi vọng có con.
Nguyên nhân nam giới không có tinh trùng
Theo BSCKII Nguyễn Quang Cừ - chuyên khoa Nam học, tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa An Việt, Hà Nội, nam giới không có tinh trùng do 2 nguyên nhân: Tinh hoàn không sản xuất ra tinh trùng; Tinh hoàn vẫn sản xuất ra tinh trùng nhưng ống dẫn tinh trùng bị tắc.
BS Nguyễn Quang Cừ tư vấn cho bệnh nhân.
Nếu tinh trùng không đi qua được ống dẫn tinh, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nối thông lại ống dẫn tinh, tức là nối hai đầu ống dẫn tinh lại với nhau hoặc nối ống dẫn tinh vào mào tinh. Khi ống dẫn tinh thông suốt, hy vọng có con của các cặp vợ chồng là rất cao.
Trường hợp không có ống dẫn tinh bẩm sinh, bệnh nhân có thể thực hiện phẫu thuật nối nếu muốn có con.
Ngoài ra còn có phương pháp khác là hút tinh trùng ra từ mào tinh hay trong tinh hoàn bằng các kỹ thuật có tên là PESA (hút tinh trùng mào tinh) hay TESE (mổ trích tinh trùng tinh hoàn).
Ngay sau khi được hút ra, tinh trùng này được đem chích thẳng vào trứng để làm trứng thụ tinh. Sau 2 - 4 ngày, trứng đã thụ tinh sẽ thành phôi. Đôi khi tinh trùng hút ra được trữ đông, tới ngày hút trứng của mẹ thì tinh trùng sẽ được rã đông để tiêm vào trứng. Các bác sĩ sẽ chọn những phôi tốt đem bơm nhẹ vào trong lòng tử cung để phôi phát triển thành thai hoặc làm thụ tinh trong ống nghiệm.
BS Cừ cho biết, rất khó để nhận biết trong tinh dịch có tinh trùng hay không bằng mắt thường, cách chẩn đoán chính xác nhất là làm tinh dịch đồ. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể lưu ý tinh trùng thông thường có mùi tanh đặc trưng, màu trắng hoặc hơi ngả vàng. Nếu thấy các đặc điểm như màu tinh dịch quá nhạt hay quá loãng thì rất có thể đó là các biểu hiện cho thấy trong tinh dịch không có tinh trùng hoặc chất lượng tinh trùng có vấn đề.
Theo bác sĩ Cừ, người bệnh có thể tới các phòng chuyên khoa nam để được khám và làm xét nghiệm tinh dịch đồ, đồng thời bác sĩ sẽ hỗ trợ tìm ra nguyên nhân không có tinh trùng trong tinh dịch và đưa ra cách chữa trị kịp thời. Người bệnh phát hiện bệnh càng sớm thì tỉ lệ chữa khỏi vô sinh hiếm muộn càng cao.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/hai-vo-chong-ket-hon-nhieu-nam-nhung-khong-co-con-nga-ngua-khi-biet-nguyen-nhan-a2453.html