Thời trang Dior sống động trong 'Mrs. Harris Goes to Paris'

"Mrs. Harris Goes to Paris" khắc họa thế giới thời trang Dior trong thập niên 1950.

Trailer 'Mrs. Harris Goes to Paris'
 
 

Trailer Mrs. Harris Goes to Paris. Video: Focus Features

Tại Oscar diễn ra vào ngày 12/3, Jenny Beavan là một trong năm ứng viên của giải thưởng Thiết kế phục trang xuất sắc với phim Mrs. Harris Goes to Paris. Nhà thiết kế người Anh từng nhận 12 đề cử ở hạng mục này và ba lần chiến thắng với A Room with a View (1986), Mad Max: Fury Road (2015) và Cruella (2021).

Tác phẩm của đạo diễn Anthony Fabian dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Paul Gallico. Phim xoay quanh câu chuyện bà lao công Ada Harris (Lesley Manville đóng) tình cờ thấy chiếc váy Dior tại nhà chủ. Quá thích thú và khao khát, bà chắt chiu từng đồng xu cuối cùng để tới Paris, đặt nhà mốt may riêng cho mình một bộ.

Theo WWD, nhà thiết kế Beavan đã tạo nên một thế giới thời trang thập niên 1950 sống động qua việc tái hiện show diễn cao cấp của Dior, những chiếc váy in hoa cổ điển đặc trưng của phụ nữ ở Anh và Pháp thời kỳ đó. Hollywood Reporter nhận xét: "Tác phẩm đem tới niềm vui thị giác cho bất kỳ người sành thời trang nào".

Để đảm bảo tính chân thực nhất có thể, Beavan đã đến kho lưu trữ của Dior vào cuối năm 2019. Trong 128 trang phục thuộc bộ sưu tập di sản của nhà mốt, bà chọn ra 20 mẫu từ năm 1947 đến năm 1957 và tái tạo với tông tím oải hương, xanh và đỏ thẫm theo sở thích của nhân vật. Theo WWD, nhà thiết kế hạnh phúc khi được Dior cho mượn năm bộ đầm, trong đó có bộ Bar suit kinh điển. Chúng đều là bản làm lại vào năm 1990 từ bản gốc năm 1950.

Điểm nhấn chính của thời trang trong phim là ba bộ đầm Ravissante, Venus và Temptation của Dior được mô tả trong cuốn tiểu thuyết Mrs. 'Arris Goes to Paris. Ravissante - chiếc váy đầu tiên mà Harris nhìn thấy - được làm lại từ đầm Miss Dior biểu tượng thuộc bộ sưu tập Xuân Hè dòng Haute Couture năm 1949. Thiết kế quây ngực mang phom chữ A, màu tím chủ đạo, đính hơn 1.000 bông hoa lụa thủ công gồm hồng, huệ tây, lưu ly, đinh hương.

Đầm Venus xuất hiện nhiều nhất trong phim, có dáng cúp ngực, đính lông công tỉ mỉ ở thân trên.

Nhân vật người mẫu Natasha (Alba Baptista đóng) diện váy Temptation, được thiết kế dựa trên mẫu váy đính sequin Diablotine thuộc bộ sưu tập Thu Đông dòng Haute Couture năm 1957.

Bộ đầm đen chấm bi trắng trong phim là bản gốc của Dior mang tên Porto Rico, thuộc bộ sưu tập Thu Đông dòng Haute Couture năm 1957. Thiết kế được lấy từ Cosprop - công ty cho thuê phục trang nổi tiếng. John Bright, giám đốc của Cosprop, nói với WWW: "Ngài Christian Dior đã sử dụng tới năm lớp organza. Đó là một kỹ thuật khá tốn kém, vì phải mất rất nhiều thời gian để làm những thứ đó. Đó là một trong những lý do một chiếc váy Dior lại có giá cao như vậy".

Baptista yêu thích bộ đầm này. "Ngay khi khoác lên mình tác phẩm nghệ thuật này, tôi có thể di chuyển và cảm thấy quyến rũ, xinh đẹp. Thật đáng kinh ngạc khi Christian Dior có thể tạo nên những món đồ như thế để tôn vinh cơ thể phụ nữ, bất kể hình dạng và kích cỡ thế nào", cô nói.

Các thiết kế trong phim đều được phác thảo và làm lại dựa theo cuốn sách mẫu vẽ của Dior năm 1957, trong đó có đầm Vaudeville.

Đầm lụa xanh ngọc với kỹ thuật xếp nếp đối xứng hoàn hảo.

Đầm midi ôm sát kết hợp áo khoác dáng crop top bằng satin.

Theo WWD, đoàn phim cần tới 17 bộ đầm được làm theo bản phác thảo của Dior cho phân cảnh show thời trang kỷ niệm 10 năm của hãng.

Ngoài trang phục và phụ kiện, Beavan còn chú trọng tạo ra không gian chân thực và sát nhất với phong cách của Dior. Bức tường và nội thất cùng phủ một màu trắng trang nhã, tạo không khí tĩnh lặng, nhằm mang lại sự an tâm cho những người giàu có và nổi tiếng khi thưởng thức show.

Sao Mai (ảnh: Ada Films Ltd)

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/thoi-trang-dior-song-dong-trong-mrs-harris-goes-to-paris-a25728.html