Có khoảng 140.000 loài nấm trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới chỉ biết khoảng 10% và chỉ có khoảng 100 loài đang được nghiên cứu về những lợi ích sức khỏe tiềm năng và các ứng dụng y học của chúng.
Khi nói đến những lợi ích sức khỏe của nấm, các nhà dinh dưỡng thường đề cập đến các loại nấm làm thức ăn thông dụng hàng ngày như nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, nấm đông cô,... hơn là các loại nấm dược liệu quý hiếm và ít thông dụng.
Nấm là một loại thực phẩm cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng và có hàm lượng calo thấp. Nấm giàu chất chống oxy hóa và chất xơ. Đặc biệt là một nguồn nhiều vitamin B, selen, kẽm và đồng - các chất quan trọng trong việc sản xuất năng lượng trong tế bào, cần thiết cho một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Nấm cũng giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, hỗ trợ giảm cân và cải thiện sức khỏe nhận thức. Đặc biệt các chị em ăn nấm để có làm da chắc khỏe. Dưới đây là công dụng tuyệt vời của nấm trong làm đẹp:
Ngăn ngừa mụn trứng cá: Nấm chứa nhiều loại vitamin và mỗi loại đều có vai trò quan trọng đối với làn da. Nấm rất giàu vitamin D và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ da, ngăn ngừa nếp nhăn và mụn trứng cá do tác hại của môi trường. Thêm vào đó, hàm lượng vitamin A và vitamin E trong nấm cũng rất có lợi cho việc ngăn ngừa hình thành mụn mới và giảm viêm do mụn trứng cá gây ra.
Chống lão hóa: Nấm có đặc tính ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm. Rất nhiều loại kem chống lão hóa, kem dưỡng da và huyết thanh có chứa các đặc tính hóa học chiết xuất từ nấm. Ngoài ra, ăn nấm giúp cải thiện tình trạng lão hóa da như ngăn ngừa sự hình thành các đốm đồi mồi, da không đồng đều và sạm nám da do tuổi tác.
Dưỡng ẩm da: Bạn có thấy khó chịu và xấu hổ khi có làn da khô, thường xuyên nứt nẻ? Nấm chính là giải pháp giúp bạn đối phó với vấn đề này! Nấm chứa nhiều polysaccharide có đặc tính dưỡng ẩm cho làn da và giúp làn da của bạn trở nên mềm mại và dẻo dai hơn.
Giảm viêm: Bạn có thể bị các vấn đề về da do tình trạng viêm nhiễm mà các gốc tự do trong cơ thể gây ra. Nấm có chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất có đặc tính kháng viêm mạnh. Điều này giúp làm giảm tác hại của các gốc tự do và giúp làn da khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, một số người có thể bị chóng mặt, đau đầu, đau bụng và gặp phải các triệu chứng khác khi ăn nấm. Vì vậy, hãy tìm hiểu thật kỹ về các loại nấm và tham khảo ý kiến các chuyên gia trước khi quyết định bổ sung thực phẩm này vào chế độ ăn uống của mình.
Giúp giữ dáng tốt: Chất xơ sẵn có trong nấm tạo cảm giác nhanh no bụng đồng thời duy trì trao đổi chất ở cấp độ cao. Trong thành tế bào nấm có hai loại chất xơ: beta-glucan và chitin, những hợp chất giảm thiểu cảm giác háu ăn. Trong khi đó, Beta-glucan giảm thiểu sự hấp thụ đường, sản xuất insulin và cắt giảm nồng độ cholesterol trong máu, hạ thấp nguy cơ xuất hiện các bệnh liên quan đến béo phì. Đặc biệt, Vitamin D của nấm cũng giúp duy trì cân nặng hợp lý. Tiếp theo vitamin B6 cải thiện hấp thụ kẽm, thành phần giảm thiểu cơn đói cồn cào và thói thèm ăn đồ ngọt, trái lại những vitamin khác thuộc nhóm B trong nấm bảo đảm hoạt động bình thường của tuyến giáp - yếu tố duy trì trao đổi chất hoàn hảo.
Những lưu ý đặc biệt khi ăn nấm thường xuyên
Hầu hết các loài nấm độc không ăn được trông rất giống với các loài ăn được. Nếu ăn phải nấm có chứa độc tố có thể gây ảo giác, các triệu chứng ngộ độc nguy hiểm như hôn mê, nôn mửa, co giật, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng dẫn tới tử vong.
Vì vậy, khi lựa chọn nấm cho chế độ ăn, bạn nên lưu ý những điều sau:
Tránh ăn những loại nấm đã bị đổi màu hoặc màu sắc khác thường.
Luôn chọn các sản phẩm được niêm phong từ các công ty có uy tín hoặc những công ty mà bạn đã tự trồng trong điều kiện được kiểm soát sau khi mua hạt giống từ một nguồn đáng tin cậy. Không tin tưởng vào bất kỳ nhà cung cấp không rõ khi bạn mua nấm.
Nhiều loại nấm khi được hái trong tự nhiên có chứa kim loại nặng, cũng như các chất ô nhiễm không khí và nước, có thể nguy hiểm cho sức khỏe.
Nên bảo quản nấm trong túi giấy hoặc khăn ẩm trong tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát. Sử dụng nấm trong vòng vài ngày sau khi mua.
Tuyệt đối không hái nấm từ rừng trừ khi bạn đã được đào tạo thật kỹ để xác định loại nấm.
Trúc Chi (theo Zing, Sức khỏe & Đời sống)
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/an-nam-nen-chu-y-dieu-nay-de-tot-dang-dep-da-a26432.html