Ung thư phổi là bệnh lý có nguy cơ gây tử vong cao và mức độ gia tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ung thư phổi có khả năng điều trị khỏi nếu được phát hiện và điều trị đúng cách ở giai đoạn sớm.
Theo Webmd, ung thư phổi giai đoạn I là giai đoạn sớm thứ hai của bệnh. Nó có nghĩa là các tế bào bất thường trong đường thở của bạn đã biến thành ung thư. Nhưng khối u chỉ nằm trong phổi của bạn và không di căn đến các hạch bạch huyết của bạn.
Giai đoạn I còn được gọi là ung thư phổi giai đoạn đầu. Bệnh thường có thể được chữa khỏi và hầu hết mọi người có thể sống thêm 5 năm hoặc lâu hơn.
Dưới đây là những dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu:
Ho kéo dài: Biểu hiện hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài nhưng rất nhiều người hay chủ quan nghĩ rằng ho do viêm họng. Thực tế cho thấy khoảng 50-70% các trường hợp ung thư phổi có biểu hiện ho và đa phần người bệnh không được điều trị khỏi bằng các biện pháp điều trị thông thường.
Tuy nhiên, ho là một biểu hiện rất không đặc hiệu và cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có thể là ho do dị ứng, hen suyễn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm phế quản cấp, tiếp xúc với bụi và hóa chất…Vì vậy, ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và uống thuốc không đỡ thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Khó thở, khàn tiếng: Ung thư phổi ở giai đoạn sớm người bệnh thường có biểu hiện khó thở, thở khò khè, giọng nói cũng thay đổi và trở nên khàn giọng… tuy nhiên nhiều người cho rằng làm việc quá sức, hoặc mắc bệnh viêm họng, cảm cúm nên dẫn đến tình trạng này. Trên thực tế, các biểu hiện trên có thể là triệu chứng báo hiệu có khối u phát triển trong phổi gây cản trở việc hô hấp.
Người mệt mỏi, đau nhức cơ: Các biểu hiện thông thường khiến nhiều người chủ quan là dễ mệt mỏi, đau nhức cơ. Với biểu hiện thường ngày nhiều người cho rằng liên quan đến công việc nặng nhọc, đi lại nhiều, căng thẳng… nên rất dễ bỏ qua. Trong khi các biểu hiện này rất có thể mắc các bệnh nghiêm trọng trong đó có ung thư phổi. Nguyên nhân chính là các chất do các tế bào ung thư sản sinh ra sẽ trực tiếp tác động đến quá trình trao đổi oxy, sản xuất máu và kiểm soát quá trình phòng thích năng lượng cơ thể.
Giảm cân không rõ nguyên nhân và nhiễm trùng thường xuyên: Đột ngột giảm cân không rõ nguyên nhân không liên quan đến việc bạn cắt giảm calo hoặc tập thể dục thì rất có thể là do bệnh tật nguy hiểm trong đó có ung thư phổi. Nhiễm trùng thường xuyên có thể báo hiệu ung thư vì tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp, dẫn đến các bệnh như viêm phế quản hoặc một số bệnh nhiễm trùng khác tái phát liên tục.
Ngoài ra người bệnh còn có những dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu ít gặp hơn như: Cảm thấy khi ăn nuốt khó; Thay đổi hình dạng màu sắc của ngón tay và móng tay; Da hơi nhợt nhạt; Tắc nghẽn mạch máu ở vùng mặt.
Ở giai đoạn muộn hơn chút thì ung thư phổi có thể gặp là: Khàn tiếng kèm theo nuốt khó, nuốt đau, nuốt nghẹn kéo dài, liên tục; Phù mặt tăng dần, kèm theo đau đầu, chóng mặt, tím mặt; người bệnh hay hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh.
Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm lại không có bất cứ triệu chứng gì. Vì vậy, cần đi khám để phát hiện và sàng lọc sớm ung thư phổi nếu thấy mình hoặc người thân trong gia đình có một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên.
Các phương pháp chẩn đoán
Đôi khi ung thư phổi giai đoạn I được phát hiện thông qua các xét nghiệm thông thường. Hoặc bác sĩ của bạn có thể có lý do để nghĩ rằng bạn mắc bệnh này. Nếu vậy, bạn có thể được chỉ định làm các xét nghiệm như:
- Chụp X-quang và chụp cắt lớp hình ảnh
Chụp X-quang có thể cho thấy một khối đáng ngờ trong phổi của bạn. Chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể phát hiện các khối u nhỏ hơn.
- Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác để kiểm tra mức độ ung thư của bạn.
Chúng có thể bao gồm: chụp PET, chụp cộng hưởng từ MRI, xạ hình xương...
- Sinh thiết: Bác sĩ sẽ kiểm tra một mẫu mô của bạn dưới kính hiển vi để xác định xem đó có phải là ung thư hay không.
Tiểu Phi (T/h theo Sức Khỏe& Đời Sống, Dân Trí)
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nhung-dau-hieu-som-cua-ung-thu-phoi-giai-doan-dau-a26699.html