Ăn sáng bằng mì tôm có nên không?

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng, cung cấp năng lượng sau khi ngủ dậy để khởi đầu một ngày mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian để chuẩn bị cho gia đình một bữa sáng tươm tất.

Nên ăn mì tôm kết hợp với các thực phẩm khác

Hiện nay, mì ăn liền hay còn gọi là mì tôm, thường được rất nhiều gia đình sử dụng để ăn sáng. Nhiều người cho rằng đây là món ăn tiện lợi nếu biết kết hợp thêm rau xanh và chất đạm thì vẫn có đủ dinh dưỡng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người thì cho rằng mì tôm nghèo dinh dưỡng, không tốt để ăn vào bữa sáng. Vậy lợi hại của món ăn này ra sao? Dưới đây là những phân tích của chuyên gia dinh dưỡng.

Trước quan điểm không nên ăn mì tôm vào buổi sáng sẽ gây ra những vấn đề không tốt cho sức khoẻ, TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho hay mì tôm là thực phẩm không xấu, dùng quá lạm dụng mới ảnh hưởng tới sức khoẻ. Không có căn cứ để nói ăn mì tôm vào bữa sáng sẽ không tốt cho sức khoẻ.

"Bản thân tôi vẫn ăn mì tôm vào bữa sáng. Nhưng tôi không ăn mì không mà thường cho thêm chút rau cải, rau giá và trứng, thịt luộc ăn kèm. Bữa sáng của tôi không quá cầu kỳ nhưng tôi sẽ ăn để đủ dinh dưỡng. Tôi chỉ ăn 1-2 bữa mì tôm/ tuần, các ngày còn lại sẽ ăn các thực phẩm khác như: cơm, xôi, bún, phở…", TS Từ Ngữ nói.

Ăn sáng bằng mì tôm có nên không? - Ảnh 1.

Mì tôm (Nguồn ảnh: Internet)

Chuyên gia khuyến cáo, mì tôm là thực phẩm tiện lợi nhưng không đủ chất dinh dưỡng, nếu ăn thay thế bữa chính, ăn liên tục sẽ khiến cho con người rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt với trẻ nhỏ đang tuổi phát triển, nếu lạm dụng mì tôm sẽ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng.

Mì tôm là sản phẩm công nghiệp có rất nhiều chất phụ gia, đặc biệt là muối. Không nên cho trẻ ăn quá mặn sớm sẽ hình thành nên thói quen ăn mặn và hệ luỵ có thể gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp sau này.

"Mì tôm chỉ nên ăn vào bữa phụ. Nếu ăn vào bữa sáng, các bữa khác cần phải bổ sung thêm dinh dưỡng. Trẻ chỉ nên ăn 1-2 bữa mì tôm/ tuần, vì nguyên tắc của dinh dưỡng là phải thay đổi các bữa ăn. Không nên dùng gói dầu ăn của mì tôm và chỉ cho nửa phần túi muối vào trong bát mì", TS Từ Ngữ khuyến cáo.

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, bày tỏ quan điểm mì tôm chịu rất nhiều điều tiếng vô căn cứ. Cho tới nay chưa ai khẳng định ăn mì tôm sinh bệnh, hay không ai khuyên không nên ăn sáng bằng mì tôm.

Mì tôm là một thực phẩm nếu biết cách dùng thì không hề ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ. Vì bất cứ thực phẩm nào, dù tốt nhưng ăn quá nhiều cũng có thể gây hại.

TS Sơn cho biết: "Bữa sáng vẫn có thể ăn mì tôm, nhưng không nên ăn cả tuần hay trường kỳ cả tháng. Nếu một tuần ăn 1-2 lần hoặc một tháng ăn 3-4 lần vào bữa sáng, tôi khẳng định sẽ không có vấn đề gì".

Nguyên liệu chính tạo nên vắt mì tôm là: bột lúa mì, dầu cọ chiên mì và một số thành phần phụ gia, gia vị khác. Do là thực phẩm khô nên sự đa dạng dinh dưỡng nếu chỉ ăn mì là không có.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyên, khi ăn mì tôm vẫn nên cho thêm rau, chất đạm (thịt bò, trứng, tôm, mực) để giúp đa dạng về dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, các thực phẩm thêm vào cũng không nên quá nhiều để tránh dư thừa năng lượng có thể gây ra tăng cân.

Việc thêm rau xanh vào trong mì giúp bổ sung thêm chất xơ, vitamin khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trong trường hợp ăn mì chay (không rau, không chất đạm) thì nên bổ sung thêm trái cây, sữa vào bữa phụ để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

TS Sơn lưu ý, chỉ bổ sung thêm rau xanh, chất đạm vào mì, riêng chất béo thì không nên cho thêm vì trong bát mì đã có sẵn chất béo.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/an-sang-bang-mi-tom-co-nen-khong-a27449.html