Tranh cãi xung quanh dự luật cấm thịt nhân tạo của Italy

Ngày 28/3, Chính phủ Italy đã đề xuất dự luật cấm sử dụng các loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong phòng thí nghiệm, trong đó có cả thịt nhân tạo.

Giới chức Italia nhấn mạnh, các sản phẩm từ phòng thí nghiệm không đảm bảo chất lượng, sức khỏe, cũng như không phù hợp với văn hóa nông nghiệp và truyền thống của Italia. Mặc dù vậy, dự luật cấm thịt nhân tạo đang tạo ra những tranh cãi tại quốc gia này.

Thông báo trong một cuộc họp của nội các Italy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực nước này Francesco Lollobrigida nhấn mạnh mối lo ngại về các sản phẩm thịt làm từ phòng thí nghiệm .

Ông Francesco Lollobrigida nói: "Italy là quốc gia đầu tiên nói không với cái gọi là thực phẩm nhân tạo và thịt nhân tạo. Chúng tôi tin rằng đây là một bước đi quan trọng. Thực phẩm làm từ phòng thí nghiệm không đảm bảo chất lượng và không đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng".

Nếu lệnh cấm được Quốc hội Italy thông qua, ngành nông nghiệp Italy sẽ không được phép sản xuất thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi trong các phòng thí nghiệm bằng phương pháp nuôi cấy tế bào động vật. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt khoản tiền lên tới 60.000 Euro, tương đương 1,5 tỷ đồng. Giới chức Italy cho rằng lệnh cấm thực phẩm nhân tạo sẽ bảo vệ ngành nông nghiệp truyền thống của Italy.

Bộ trưởng Francesco Lollobrigida tuyên bố: "Dự luật cũng là động thái để bảo vệ văn hóa và truyền thống của Italy, vì một phần xã hội của chúng ta cũng gắn liền với rượu, thực phẩm và sản xuất nông nghiệp".

Tranh cãi xung quanh dự luật cấm thịt nhân tạo của Italy - Ảnh 1.

Một số chuyên gia cho rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa thịt tự nhiên và thịt nhân tạo. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia dinh dưỡng, hiện chưa đủ căn cứ để khẳng định thịt nhân tạo có giá trị dinh dưỡng thấp hơn, hoặc kém an toàn hơn so với thịt tự nhiên.

Ông Emanuele Zannini, giáo sư Công nghệ Thực phẩm, Đại học Rome, Italy, cho biết: "Tôi cho rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa hai loại thịt. Thịt nhân tạo có thể tùy chỉnh hàm lượng, ví dụ chất béo chẳng hạn. Thậm chí thịt nhân tạo không có kháng sinh, và đây là yếu tố đáng cân nhắc, vì sự xuất hiện của kháng sinh trong thịt là vấn đề lớn trong ngành chăn nuôi".

Theo ông Tim Noakesmith, nhà sáng lập công ty sản xuất thịt nhân tạo Vow, Australia: "Tôi cảm thấy phấn khích khi nghĩ về tương lai của thực phẩm. Chúng ta sẽ có những loại thịt độc đáo hơn và tốt hơn những lựa chọn mà chúng ta nhất thiết phải ăn bây giờ".

Dự luật cấm thịt nhân tạo của Italy cần phải được Quốc hội nước này thông qua trong thời hạn 2 tháng. Cơ quan này cũng có thể sẽ sửa đổi dự luật thông qua các cuộc tranh luận sắp tới.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/tranh-cai-xung-quanh-du-luat-cam-thit-nhan-tao-cua-italy-a27452.html