Bệnh nhân là bà T.T.K. (54 tuổi) ở phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh, nhập viện vì ở nhà nôn nhiều, không ăn uống được, gây sút cân nhanh. Được biết bệnh nhân từng phát hiện tắc mật do giãn đường mật cách đây 1 năm, đã phẫu thuật nối mật ruột ổn định tại một bệnh viện trên địa bàn. Khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh nhân đau tức bụng kèm nôn nhiều sau ăn, sút cân nhanh, dùng thuốc dạ dày không đỡ nên đến bệnh viện khám.
Bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng, nội soi tiêu hóa kết hợp chụp cắt lớp, cộng hưởng từ để đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Kết quả phát hiện bệnh nhân có khối ung thư vùng đầu tuỵ gây tắc tá tràng làm bệnh nhân nôn nhiều, u đã xâm lấn các mạch máu ở rốn gan thành một khối lớn. Hội chẩn đa chuyên khoa đánh giá thể trạng bệnh nhân tương đối tốt, khối u chưa di căn xa lên gan phổi, vì vậy các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt khối tá tuỵ kèm xử lý cắt ghép các mạch máu trước, sau đó sẽ kết hợp truyền hoá chất.
Do tiên lượng cuộc mổ phức tạp kéo dài, bệnh nhân được bác sĩ gây mê toàn thân, giảm đau bằng phương pháp tiêm ngoài màng cứng và đặt các đường truyền trung tâm để hồi sức và theo dõi sát trong và sau mổ.
Kíp phẫu thuật tiến hành mổ gỡ lại các miệng nối mật ruột của lần mổ trước, đánh giá khối u đầu tuỵ kích thước 4x5 cm xâm lấn tĩnh mạch cửa, động mạch gan phải và một phần tĩnh mạch chủ bụng, hiện chưa di căn trong ổ bụng. Phẫu thuật viên tỉ mỉ phẫu tích luồn các dây chờ qua các mạch máu của hệ tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch chủ bụng và các động mạch vùng rốn gan riêng rẽ, sau đó nạo vét các hạch vùng đầu tuỵ và rốn gan. Sau đó, phẫu thuật viên tiếp tục cắt bỏ tá tràng - đầu tuỵ, phần thấp dạ dày, một phần còn lại của đường mật kèm tĩnh mạch cửa bị khối u xâm lấn và các hạch; cắt tiếp thành tĩnh mạch chủ dính vào khối u. Sau khi cắt trọn vẹn khối u, phẫu thuật viên tiến hành nối lại tĩnh mạch cửa ở rốn gan, vá lại tĩnh mạch chủ bụng, kiểm tra các miệng nối mạch máu thấy lưu thông tốt. Bệnh nhân được lập lại lưu thông đường tiêu hoá bằng một quai ruột đưa lên nối với phần còn lại của tuỵ, đường mật trong gan, dạ dày.
Một ngày sau mổ, bệnh nhân tỉnh và rút ống thở, các dấu hiệu sinh tồn, xét nghiệm ổn định.
Theo BS Hùng, phẫu thuật cắt khối tá tuỵ luôn là thách thức lớn nhất của phẫu thuật ung thư tiêu hoá, do giải phẫu rất phức tạp, nhiều mạch máu tập trung vùng này (các hạch của hệ tĩnh mạch cửa, động mạch gan, tĩnh mạch chủ bụng…) dễ bị ung thư xâm lấn. Trường hợp bệnh nhân K. còn phải cắt rộng rãi nhiều cơ quan, như: Đầu tụy tá tràng, đường mật và một phần dạ dày, vét hạch rộng, chưa kể làm nhiều miệng nối thông trong ổ bụng. Hơn nữa, bệnh nhân này từng mổ trước đó nên việc phẫu thuật càng thêm phức tạp.
Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Ung thư tuyến tụy nguy hiểm thế nào?
Theo các bác sĩ, ung thư tuyến tụy là một trong những bệnh lý ác tính của đường tiêu hóa, tiên lượng điều trị và tỷ lệ sống không tốt như các loại ung thư khác.
Ung thư tuyến tụy là dạng ung thư biểu mô liên quan đến các tế bào tuyến tụy, một cơ quan nội tiết quan trọng nằm phía sau dạ dày, gần túi mật. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, ung thư tuyến tụy đứng thứ 13 trong các loại ung thư, với gần 500.000 ca mắc mới, tỷ lệ tử vong đứng thứ 7 với hơn 466.00 người.
Theo Verywell Health, những người trong gia đình có người bị ung thư tuyến tụy thì khả năng mắc bệnh này cũng cao hơn. Đột biến di truyền của gene BRCA1, BRCA2 được phát hiện trong khoảng 13-19% bệnh nhân ung thư tuyến tụy có tính chất gia đình.
Bác sĩ khuyên mọi người nên chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ. Nhóm nguy cơ cao như hút thuốc lá, viêm tụy mạn, đái tháo đường hoặc có người trong gia đình mắc bệnh, nên chủ động khám định kỳ 6 tháng một lần để tầm soát bệnh.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/dau-bung-non-nhieu-sau-an-nguoi-phu-nu-phat-hien-mac-ung-thu-a27713.html