Những loại vải thực vật làm thay đổi diện mạo thời trang

Vải làm từ bã táo, tơ chuối, nho, tảo biển thúc đẩy thời trang bền vững trong tương lai.

Jumpsuit Stella McCartney làm từ sequin thực vật
 
 


Cuối tháng 3, nhà thiết kế Stella McCartney tiết lộ trên Vogue bộ jumpsuit làm từ BioSequins do công ty Radiant Matter sáng chế. BioSequins được tạo ra với sequin có nguồn gốc từ cellulose thực vật, không chứa nhựa, kim loại, khoáng chất, chất màu tổng hợp và chất tạo màu, không độc hại với môi trường sống và có thể phân hủy sinh học. Video: Stella McCartney

Vài năm trở lại đây, phát triển bền vững được xem là xu hướng. Nhiều công ty công nghệ sinh học cho ra đời các vật liệu được làm từ thực vật, thân thiện với môi trường, nhằm giải quyết bài toán rác thải khổng lồ mà ngành công nghiệp này mang đến. Theo Vogue, vải thực vật hoặc tái chế từ vỏ hàu, chai nhựa, bã cà phê, góp phần đưa thời trang lên một tầm mới.

Trước sequin thực vật, năm 2021, Charlotte McCurdy đã bắt tay Phillip Lim tạo ra mẫu váy làm bằng sequin tảo biển. McCurdy phát triển một màng nhựa sinh học được làm hoàn toàn từ tảo biển vĩ mô, loại bỏ và cô lập carbon từ khí quyển, làm cho vật liệu tạo ra là carbon âm. Các lá nhựa sinh học của tảo được khâu vào một lớp vải làm từ sợi thực vật. Việc này giúp bộ váy không chứa các chất dẫn xuất từ ​​dầu thô như sợi tổng hợp, thuốc nhuộm và sequins nhựa, những thứ gần đây bị chỉ trích vì gây ra ô nhiễm. Ảnh: McCurdy

Aniela Hoitink, nhà thiết kế người Hà Lan, chế tạo vải MycoTEX từ nhiều sợi nấm nhỏ màu trắng kết hợp với nhau. Trang phục làm từ loại vải này có thể co giãn ba chiều, phù hợp kích thước cơ thể người mặc. Nhà thiết kế còn sáng chế vải da Mylo làm từ nấm khi sờ vào vẫn cho cảm giác mềm, dẻo, thay thế da thuộc động vật. Sau khi sử dụng, trang phục có thể được dùng làm phân bón. Vải da làm từ sợi nấm không cần dùng đến PU, PVC hay bất kỳ loại hóa chất nào. Quy trình sản xuất tiêu thụ ít nước và thải ít carbon. Ảnh: Obj

Tiến sĩ Carmen Hijosa hợp tác công ty vật liệu Ananas Anam tạo ra vải Pinatex được làm từ sợi cellulose có trong phụ phẩm lá dứa. Các sợi cellulose được kết lại với nhau để trở thành một loại vải thoáng khí, bền, nhẹ và khá linh hoạt. Vật liệu tự phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường. Theo Dezeen, để tạo ra một mét vải Pinatex cần khoảng 480 lá dứa, thấp hơn so với chi phí sản xuất da động vật. Ảnh: Dezeen

Sau nhiều năm nghiên cứu các đặc điểm khác nhau của sợi thực vật, công ty Vega phát hiện vỏ, hạt và cuống nho bị loại bỏ trong quá trình sản xuất rượu vang có thể tạo nên vải da. Sản xuất da từ nho tiết kiệm nước, loại bỏ lượng carbon thải ra môi trường. Năm 2017, nhà thiết kế Tiziano Guardini dùng da nho tạo nên bộ đầm dạ hội và giành giải thưởng Global Change. Ảnh: Pinterest

Vải cam là sản phẩm độc quyền của thương hiệu Orange Fiber. Chúng được tạo nên từ những sợi cellulose, tương tự tơ tằm, có thể kết hợp với các chất liệu khác. Vải mềm mại, có thể chỉnh mờ đục hoặc sáng bóng. Ảnh: OF

Thiết kế áo dài của Vũ Việt Hà làm từ tơ sen. Ảnh: Kiếng Cận

Vải tơ sen lần đầu tiên ra đời ở In Paw Khon, Myanmar. Sen được lấy về và xử lý trong một ngày để tránh bị khô, làm hỏng tơ. Những người thợ sẽ cắt các đoạn ngắn, vừa cắt vừa dùng tay kéo các sợi tơ, miết chúng cùng với nước, kéo dài và bện lại với nhau. Năm 2017, nghệ nhân Phan Thị Thuận ở làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là người đầu tiên thực hiện thành công dệt lụa từ tơ sen.

Vải tơ sen có nhiều ưu điểm như co giãn tốt, bề mặt mộc mạc, mùi thơm nhẹ, đem lại cảm giác thư thái cho người mặc. Vải được nhuộm hoàn toàn bằng màu từ lá, củ và quả sen nên thân thiện với môi trường. Trang phục dệt bằng tơ sen ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè.

Vải chuối do thương hiệu ba lô Thụy Sĩ QWSTION hợp tác chuyên gia sợi và công ty dệt của Đài Loan sáng chế. Chất liệu được gọi là Bananatex, làm hoàn toàn từ giống chuối Abacá được trồng hữu cơ tại các đảo ở Philippines. Vải không thấm nước nhờ lớp phủ sáp ong tự nhiên và đã qua xử lý, không chứa PFC, siêu bền. Những chiếc túi làm từ vải chuối có thể phân hủy sinh học và tái chế. Ảnh: QWSTION

Công ty Beyond đã đã tận dụng nguyên liệu thừa gồm lõi và vỏ táo trong sản xuất nước ép và rượu táo tại Đan Mạch, cho ra đời loại vải mới. Các phần của quả táo bị bỏ đi được nghiền ra, trộn cùng cao su tự nhiên. Sau đó, chúng được đắp lên một tấm nền làm từ bông hoặc sợi gỗ, tạo ra vải ba lớp có thể tách rời. Ảnh: Pinterest

Hai nhà sáng lập công ty Desserto - Adrián López Velarde và Marte Cázarez - mất hai năm để nghiên cứu, phát triển, cho ra đời loại da làm từ lá xương rồng tai thỏ ở Mexico. Quá trình sản xuất tiết kiệm nước hơn rất nhiều so với da động vật. Sau thu hoạch, lá xương rồng được rửa sạch, nghiền nhỏ, phơi khô, trộn với một số chất không độc hại, tạo vải và nhuộm màu. Ảnh: Desserto

Vải dệt từ những phế phẩm bã đậu nành được Henry Ford phát minh năm 1941, phổ biến vào năm 2003. Do chứa những protein có nguồn gốc từ vỏ đậu nành, vải có độ đàn hồi cao, khả năng xếp nếp đẹp, thoáng khí, được ưa chuộng trong sản xuất đồ thể thao và những loại trang phục bó sát. Ảnh: Pinterest

Sao Mai

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nhung-loai-vai-thuc-vat-lam-thay-doi-dien-mao-thoi-trang-a27765.html