Hà Nội: Dịch thủy đậu bùng phát mạnh, sắp chạm ngưỡng 1.000 ca

Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 985 ca mắc thủy đậu trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 14 ca.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 31-3 đến 7-4), số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận ở mức thấp, số ca tay chân miệng giảm so với tuần trước. Tuy nhiên, số ca mắc thủy đậu vẫn tiếp tục tăng.

Cụ thể, trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 185 ca mắc thủy đậu (tăng 19 ca so với tuần trước). Ngoài ra, ghi nhận một số chùm ca bệnh thủy đậu tại các trường tiểu học, mầm non: Tiểu học Vân Hòa, huyện Ba Vì có 17 ca; mầm non Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (18 ca); Tiểu học Dân Hòa, huyện Thanh Oai (9 ca); Mầm non Yên Trung, huyện Thạch Thất (12 ca).

Đời sống - Hà Nội: Dịch thủy đậu bùng phát mạnh, sắp chạm ngưỡng 1.000 ca

(Ảnh minh họa).

Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 985 ca mắc thủy đậu; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 14 ca.

Về bệnh tay chân miệng, tuần qua có 50 ca mắc (giảm 13 ca so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 298 ca mắc tay chân miệng; trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 4 ca.

Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận 3 ổ dịch tay chân miệng tại Trường Mầm non Họa Mi - Yên Bình, huyện Thạch Thất với 2 ca bệnh; thôn Sổ Tơi, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất (2 ca); tổ 19 thị trấn Đông Anh (2 ca). Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 11 ổ dịch tay chân miệng, hiện còn 6 ổ dịch đang hoạt động.

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa hè nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như: Tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… phát triển và gia tăng. Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh thủy đậu thường biểu hiện lành tính chủ yếu ở tổn thương da, ngoài ra trẻ vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường. Trẻ cũng có thể có cảm cúm sau đó sẽ hết. Nhưng ở một số trường hợp bệnh có thể có giai đoạn biến chuyển nặng lên. Thể hiện ở việc các cháu có thể sốt cao kéo dài do tổn thương viêm xâm nhập qua những nốt phỏng da gây nhiễm trùng máu, viêm khớp, viêm cơ. Ngoài tổn thương da có thể là viêm phổi, viêm não hoặc viêm tai giữa.

Ngoài ra, thủy đậu gặp ở phụ nữ có thai cũng cực kỳ nguy hiểm. Phụ nữ có thai ở 3 tháng đầu thai kỳ mắc thủy đậu có thể dẫn đến hội chứng dị dạng bẩm sinh do thủy đậu ở trẻ sơ sinh.

Nếu phụ nữ đang mang thai mắc thủy đậu 5 ngày trước sinh hoặc 2 ngày sau sinh có thể lây cho trẻ, gọi là thủy đậu sơ sinh.

DIỆU THU

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/ha-noi-dich-thuy-dau-bung-phat-manh-sap-cham-nguong-1000-ca-a28233.html