14 tuổi kiên cường chiến đấu với ung thư
Ellie Waters, hiện 22 tuổi, đến từ Kettering, Anh cho biết, năm 14 tuổi cô đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Lúc đầu, khi thấy khối u to trên mông, cô chỉ nghĩ là bị sưng do ngã trong một lần chạy bộ. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 2015, khi đến Trung tâm Y tế Queen, Nottingham, Anh thăm khám, cô được chẩn đoán mắc Sarcoma cơ vân thể hốc (Alveolar Rhabdomyosarcoma) giai đoạn 4 và chỉ có 20% cơ hội sống sót.
Sarcoma cơ vân thể hốc là bệnh gì?
Rhabdomyosarcoma (RMS) là một loại ung thư ác tính, có nguồn gốc trong các mô mềm của cơ thể chẳng hạn như cơ, mỡ, dây thần kinh, mạch máu, xương và sụn. Rhabdomyosarcomas có thể phát triển bất cứ bộ phận nào trong cơ thể nhưng thường được tìm thấy chủ yếu ở cánh tay, chân, ngực và bụng.
Sarcoma cơ vân thể hốc (Alveolar Rhabdomyosarcoma) là một dạng của RMS. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nguyên phát ở vùng cơ mông có di căn phổi.
Ellie chia sẻ: "Lúc đó tôi rất sợ, vì tôi mới chỉ 14 tuổi và không hiểu biết nhiều về ung thư. Tôi chỉ biết rằng ung thư rất nguy hiểm và nó có thể giết chết tôi bất cứ lúc nào. Quá trình hóa trị cũng rất kinh khủng với tôi. Tôi cứ ốm liên miên và tóc thì rụng hết.
Bên cạnh đó, ung thư cũng cắt đi những niềm vui và sở thích thời niên thiếu của tôi. Nhìn bạn bè cùng độ tuổi được đi học, đi chơi, tổ chức những bữa tiệc nhỏ, được làm những điều mình thích, còn tôi chỉ có thể ở viện vì mắc ung thư".
Sau 18 tháng hóa trị và xạ trị khắc nghiệt, dù vô cùng mệt mỏi nhưng cuối cùng Ellie đã đánh bại được các tế bào ung thư.
Thế nhưng trớ trêu thay, sau khi điều trị khỏi bệnh ung thư, cô bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như bốc hỏa, khó ngủ, mệt mỏi và ngứa da. Ngoài ra, cô cũng không có kinh nguyệt liên tục trong 6 tháng kể từ khi điều trị khỏi ung thư. Lúc này, cô lại được gia đình đưa đến viện khám và được các bác sĩ thông báo rằng cô bị mãn kinh sớm.
Ellie cho biết cô không quá bất ngờ vì điều này: "Khi tiến hành điều trị ung thư, các bác sĩ cũng đã thông báo trước rằng tôi có thể bị vô sinh vì khối u phát triển và xâm lấn. Khi đó, tôi không quá quan tâm tới vấn đề này vì tôi chỉ một lòng mong muốn đánh bại căn bệnh ung thư".
Ước mơ làm bác sĩ được nhen nhóm từ những ‘siêu anh hùng’ áo trắng
Ellie được các bác sĩ tại trung tâm y tế tích cực điều trị, họ đã truyền cảm hứng cho cô và cứu sống cô khỏi căn bệnh ung thư. Cũng từ thời điểm này, cô tự hứa với bản thân rằng nếu điều trị khỏi, cô sẽ học y để trở thành bác sĩ, chăm sóc và cứu chữa cho những bệnh nhân mắc bệnh giống như cô.
Ellie chia sẻ: "Trước khi được chẩn đoán mắc ung thư, tôi từng muốn trở thành doanh nhân, kiếm thật nhiều tiền. Tuy nhiên, sau khi mắc bệnh, tất cả đã thay đổi. Lúc đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về các phương pháp điều trị bệnh của mình và thường xuyên xem các chương trình bác sĩ trên TV.
Lần đầu tiên tôi nói với mọi người rằng tôi muốn trở thành bác sĩ là khi tôi vượt qua ‘cửa tử’ và sống sót sau căn bệnh ung thư. Lúc đó, mẹ và những người xung quanh tôi không để ý lắm đến lời tôi nói. Thế nhưng khi tôi nhận được kết quả cao trong kỳ thi tuyển đại học, họ đã rất vui mừng và hiểu rằng tôi thực sự muốn học ngành y".
"Các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Queen tại Nottingham cũng trở thành hình mẫu mà tôi hướng tới. Họ giống như những ‘siêu anh hùng’ tất bật chạy từng phòng bệnh để chăm sóc cho các bệnh nhân và tôi biết mình muốn trở thành một nhân viên y tế tận tụy với công việc giống như vậy", Ellie chia sẻ thêm về lý do bản thân muốn trở thành bác sĩ.
Hiện tại, cô bé mắc ung thư năm nào đã trở thành sinh viên năm hai ngành y tại Đại học Keele, Anh. Cô dự định sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ phụ khoa.
Ellie nói rằng cô muốn theo ngành y để giúp những phụ nữ khác vượt qua bệnh tật và loại bỏ sự e ngại đối với các vấn đề sức khỏe ở những bộ phận nhạy cảm của phụ nữ.
Ellie cho biết ban đầu cô rất xấu hổ và không nói với bất kỳ ai về khối u của mình vì vị trí nó xuất hiện là ở trên mông. Tuy nhiên, khối u nhanh chóng phát triển và cô bắt đầu gặp các triệu chứng khác như táo bón mạn tính, sụt cân và đau ở chân trái khi tham gia các hoạt động thể thao. Lúc này, cô mới nhận ra vấn đề và đi khám.
Cô nói: "Trải qua bệnh tật từ khi còn nhỏ, lại là căn bệnh ở vùng kín, rất khó nói khiến tôi nhận ra rằng nhiều phụ nữ dường như vẫn đang e ngại với các vấn đề sức khỏe ở khu vực nhạy cảm trên cơ thể. Tôi nhận ra rằng chúng ta không nên xấu hổ khi nói về các vấn đề sức khỏe ở vùng nhạy cảm".
Cô ấy nói thêm: "Tôi đã trải nghiệm bệnh tật ở độ tuổi còn khá nhỏ nên tôi hiểu được phần nào những căn bệnh mà phụ nữ phải đối mặt. Vô sinh và mãn kinh sớm đôi khi khiến tôi cảm thấy bản thân không còn là phụ nữ nữa. Tôi hy vọng với cương vị là bác sĩ, tôi sẽ giúp bệnh nhân của mình để họ không phải gặp các vấn đề sức khỏe như tôi đã từng".
Căn bệnh ung thư cũng giúp Ellie nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng các thói quen tốt như ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của bản thân. Cô cũng khuyến khích mọi người, ngay khi có các triệu chứng bất thường trên cơ thể, dù là vùng nhạy cảm thì mọi người nên đi khám bác sĩ ngay lập tức, tránh để bệnh tình trở nặng và gây khó khăn cho quá trình điều trị.