Hiến tạng, ráp nối sự sống

Hiện có khoảng 460.000 người đang sống khỏe mạnh nhờ nhận được sự hiến tặng và cấy ghép từ các bộ phận cơ thể của người khác

Có nhiều trường hợp suy tạng tưởng chừng không còn hy vọng sống, những nguồn tạng nặng trĩu tình người đã níu họ lại với đời.

Nhiều cuộc đời được tái sinh

Tai nạn bất ngờ khiến nam thanh niên (35 tuổi, quê An Giang) nguy kịch, dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân đã rơi vào tình trạng chết não không thể phục hồi. Nén đau thương, gia đình quyết định hiến tặng các tạng còn chức năng hoạt động của anh để tiếp sự sống cho những người đang mỏi mòn chờ tạng.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã lấy 2 quả thận của anh ghép cho 2 bệnh nhân trẻ, 2 giác mạc ghép cho 2 người, lấy da ghép cho 1 người bỏng nặng. Riêng quả tim của người quá cố cũng đã có nhịp đập trong lồng ngực của một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, sau khi được thần tốc chuyển ra Hà Nội ngay trong đêm với sự nỗ lực phẫu thuật xuyên đêm của ê-kíp 40 y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức.

Trong khi đó, sau 6 năm kể từ lúc nhận quả thận từ người cha, một du học sinh đã tiếp tục cuộc sống. Năm 2017, anh N.H.Đ (ở TP HCM) bị suy thận giai đoạn cuối, sự sống chỉ tính bằng giờ. "Lúc ấy tôi suy sụp, nếu như chờ thận hiến sẽ rất lâu, có nhiều người ở bệnh viện chờ đến chết vẫn chưa tìm được quả thận. Tôi may mắn nhận được thận của cha và được sống tiếp" - anh Đ. nhớ lại.

Hiến tạng, ráp nối sự sống - Ảnh 1.

Ca lấy - ghép tạng của nam thanh niên bị tai nạn mới đây cứu được 6 người.

Trường hợp sống lâu nhất - 26 năm sau ghép thận là một bác sĩ. Cũng nguồn thận hiến từ người thân, năm 1997, ông H. (bị suy thận giai đoạn cuối) được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép thành công. Hiện ông H. là bác sĩ tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với sức khỏe ổn định. Hạnh phúc hơn, sau ghép thận, vợ chồng ông H. đã sinh thêm một người con.

GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh, nguyên Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy - một chuyên gia ghép tạng, cho biết tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối có thể khiến người bệnh tử vong. Tuy nhiên, sau khi thực hiện cuộc ghép, nhiều người được hồi sinh, đến nay vẫn có cuộc sống khỏe mạnh như người bình thường.

TS-BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết từ ca ghép đầu tiên được thực hiện vào năm 1992, đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công 1.127 ca ghép thận. Bệnh viện đang tiên phong triển khai các biện pháp để mở rộng kỹ thuật ghép thận từ người cho sống, người cho chết não, người cho tim ngừng đập, ghép đổi chéo người cho, đặc biệt là kỹ thuật ghép thận không tương thích nhóm máu.

Song song đó, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng như: phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu (trước chạy thận nhân tạo), ghép ở các đối tượng có nguy cơ miễn dịch cao...

Làm chủ kỹ thuật, xây dựng đội ngũ giỏi nghề

Là một trong hai đơn vị ghép thận lớn nhất khu vực phía Nam, trong nhiều năm qua, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM) cũng đã hồi sinh không ít người từ bên bờ vực tử thần. TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết bệnh viện luôn có khu vực chăm sóc và điều trị người bệnh suy thận mạn theo quy trình khép kín như điều trị trước ghép, chuẩn bị ghép, ghép thận và theo dõi hậu ghép. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện hơn 300 ca ghép thận, chưa kể hằng trăm người bệnh suy thận mạn được lọc máu tại đây.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, kể từ ca ghép gan đầu tiên (năm 2018) đến nay cũng đã thực hiện thành công hàng chục trường hợp, trong đó có nguồn tạng hiến là từ người chết não và người cho sống. Bệnh viện đã trở thành một trong những cơ sở phía Nam có thể thực hiện kỹ thuật ghép gan, góp phần mang lại cơ hội sống, chất lượng sống ngày càng cao cho người bệnh xơ gan, ung thư gan.

Theo TS-BSCK2 Nguyễn Tri Thức, nhằm phát triển nguồn thận ghép và tạo sự công bằng trong ghép tạng, tháng 10-2014, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. Ngoài ra, bệnh viện cũng mở các khóa học từ cơ bản đến nâng cao về ghép tạng và tổ chức các hội thảo, hội nghị; cử bác sĩ tham dự và báo cáo tại các hội nghị về ghép tạng trong nước và trên thế giới. Bệnh viện cũng hợp tác với các trung tâm ghép tạng trên thế giới (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Mỹ, Tây Ban Nha...) để đưa y, bác sĩ đi học tập và trao đổi kinh nghiệm, xây dựng đội ngũ kế thừa.

"Bệnh viện Chợ Rẫy còn hỗ trợ hơn 10 trung tâm trong nước phát triển về ghép thận. Bệnh viện cũng đã phát triển chương trình ghép gan ngay giữa dịch COVID-19 mà không cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia người nước ngoài.

Theo Bộ Y tế, ghép tạng đã mở ra cánh cửa hồi sinh cho nhiều người đang bên bờ sinh tử. Mỗi năm, toàn cầu có khoảng 40.000 ca ghép, khoảng 460.000 người đang sống nhờ một hoặc nhiều bộ phận cơ thể của người khác.

Ở Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị có số lượng người đăng ký hiến tạng nhiều nhất trên cả nước với hơn 50% đơn đăng ký. Bệnh viện cũng đã phối hợp tốt với các đơn vị khác như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai... trong những chuyến vận chuyển tạng hiến để cứu người bệnh.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/hien-tang-rap-noi-su-song-a28426.html