6 trào lưu TikTok bác sĩ khuyên đừng làm theo: Số 4 đặc biệt nguy hiểm, FDA phải lên tiếng

Các trào lưu TikTok dưới đây chưa được khoa học chứng minh, một số còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

TikTok có rất nhiều video hữu ích và thú vị, chẳng hạn như các video hướng dẫn nấu ăn, hướng dẫn trang điểm, các video về vật nuôi hay những clip hài hước để giải trí sau một ngày dài.

Tuy nhiên, khi nói đến các trào lưu sức khỏe trên TikTok, việc làm theo tất cả các gợi ý của người dùng TikTok có thể tác động xấu đến sức khỏe của bạn, CNN cảnh báo.

Mỗi năm, có ít nhất một vài trào lưu sức khỏe mới mà những người sáng tạo nội dung trên TikTok ‘khơi mào’. Và sau đó, các video này lan truyền với tốc độ chóng mặt. Một số ví dụ nổi bật là trào lưu "nhét tỏi vào mũi để thông mũi, uống bột protein khô để tăng cường tác dụng"- tất cả những mẹo mà các chuyên gia cho rằng không phải lúc nào cũng hiệu quả và có khả năng gây nguy hiểm.

Tại sao những trào lưu TikTok này lại trở nên nổi tiếng trong khi không hề có bằng chứng khoa học chứng minh?

Tiến sĩ Niket Sonpal, phó giáo sư y học lâm sàng tại Khoa khoa học y sinh cơ bản tại Đại học Y học Nắn xương Touro, Thành phố New York, Mỹ, cho biết: "Bản chất con người là muốn chọn con đường dễ dàng nhất. Cuộc sống có nhiều vất vả, khổ sở, và do đó, họ muốn được giải tỏa" với những clip này.

Ngoài ra, một số người có thể không có điều kiện gặp bác sĩ thường xuyên do hạn chế về thời gian, hạn chế về khả năng tiếp cận cơ sở y tế… Kết cục là họ đi tìm thông tin từ các nguồn không đáng tin cậy.

Theo các chuyên gia, dưới đây là các trào lưu sức khỏe rất viral trên TikTok mà bạn không nên làm theo.

1. Trào lưu "thải độc từ bên trong" với nước chanh và hạt chia

6 trào lưu TikTok bác sĩ khuyên đừng làm theo: Số 4 đặc biệt nguy hiểm, FDA phải lên tiếng - Ảnh 1.

Theo trào lưu này, bạn thêm 2 thìa hạt chia vào một cốc nước chanh, để yên trong 10 đến 15 phút rồi uống nhanh nhất có thể.

Một số người dùng TikTok đã tung hô lợi ích của nước chanh pha với hạt chia như một đồ uống "thải độc từ bên trong". Theo trào lưu này, bạn thêm 2 thìa hạt chia vào một cốc nước chanh, để yên trong 10 đến 15 phút rồi uống nhanh nhất có thể. Mục đích là để "giảm táo bón, giúp bạn đi vệ sinh dễ dàng".

Một số người dùng TikTok chỉ thử một lần. Trong khi đó, nhiều người khác thực hiện thử thách uống một lần mỗi ngày trong vài ngày đến một tháng.

Trong khi một số người cho rằng xu hướng này đáng để thử, những người khác lại bị đầy hơi hoặc táo bón.

Tiến sĩ Sonpal cho biết chìa khóa để có nhu động ruột khỏe mạnh là chất xơ và nước. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chúng ta cần 25 đến 35 gram chất xơ mỗi ngày, nhưng người Mỹ trung bình chỉ ăn 10 đến 15 gram.

Tiến sĩ Geoffrey A. Preidis, phó giáo sư nhi khoa thuộc khoa tiêu hóa, gan và dinh dưỡng tại Đại học Y Baylor và Bệnh viện Nhi Texas, Mỹ, cho biết: Khoảng 2 thìa hạt chia cung cấp khoảng 10 gram chất xơ, vì vậy chúng có thể giúp "giảm các triệu chứng táo bón nhẹ".

Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều chất xơ, đặc biệt là khi không uống đủ nước, có thể dẫn đến đầy hơi, đau bụng hoặc tiêu chảy, theo Beth Czerwony, một chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Dinh dưỡng Con người của hệ thống y tế Cleveland Clinic, Mỹ.

"Bạn không cần ‘thải độc từ bên trong’", Sonpal nói. "Bạn chỉ cần một chế độ ăn giàu chất xơ và uống nhiều nước mỗi ngày."

2. Trào lưu uống nước diệp lục

6 trào lưu TikTok bác sĩ khuyên đừng làm theo: Số 4 đặc biệt nguy hiểm, FDA phải lên tiếng - Ảnh 2.

Nghiên cứu khoa học chưa chứng minh được rằng nước diệp lục là độc hại hay nguy hiểm, nhưng cũng không cho thấy bất kỳ lợi ích sức khỏe nào.

Chuyên gia dinh dưỡng Czerwony cho biết thêm: "Nước diệp lục là một xu hướng trên mạng xã hội khuyến khích mọi người thêm nước diệp lục vào nước uống".

Trào lưu này đã trở thành xu hướng trong hơn một năm rưỡi, khẳng định "có nhiều lợi ích sức khỏe như ngăn ngừa ung thư, chữa lành vết thương, giảm cân, kiểm soát táo bón và tăng cường năng lượng".

Các chuyên gia cho biết những lợi ích trên có thể chỉ là tác dụng của việc uống nhiều nước nhiều hơn.

Nghiên cứu khoa học chưa chứng minh được rằng nước diệp lục là độc hại hay nguy hiểm, nhưng cũng không cho thấy bất kỳ lợi ích sức khỏe nào, Czerwony cho biết thêm.

3. Trào lưu dán miệng bằng băng dính khi ngủ

6 trào lưu TikTok bác sĩ khuyên đừng làm theo: Số 4 đặc biệt nguy hiểm, FDA phải lên tiếng - Ảnh 3.

Một số người thực hiện theo trào lưu dán băng dính khi ngủ.

Trong nhiều năm qua, nhiều người trong chúng ta đã tìm mọi cách để ngậm miệng, tránh thở bằng miệng khi ngủ. Tuy nhiên, vào năm ngoái, một số người đã tìm thấy một giải pháp có vẻ đơn giản trên TikTok: bịt miệng bằng băng dính. Nhưng một số chuyên gia cảnh báo điều này có thể nguy hiểm.

"Nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, điều này có thể rất nguy hiểm", chuyên gia về giấc ngủ, Tiến sĩ Raj Dasgupta, phó giáo sư y học lâm sàng tại Trường Y khoa Keck của Đại học Nam California, Mỹ, nói với CNN. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là tình trạng đường thở bị xẹp hoàn toàn hoặc một phần, là một trong những rối loạn giấc ngủ phổ biến và nguy hiểm nhất.

Sử dụng băng dính cũng có thể dẫn đến rụng lông mặt gây đau đớn hoặc làm hỏng mô mềm quanh miệng.

Tiến sĩ Dasgupta nói thêm: "Có rất ít bằng chứng về lợi ích của việc dán băng dính vào miệng, hãy cẩn thận – hỏi bác sĩ trước khi thử điều này".

4. Trào lưu nấu món "gà buồn ngủ"

6 trào lưu TikTok bác sĩ khuyên đừng làm theo: Số 4 đặc biệt nguy hiểm, FDA phải lên tiếng - Ảnh 4.

Trào lưu nấu gà với siro ho trên TikTok.

Một thử thách khác trên TikTok có thể khiến bạn giật mình kinh hãi là "gà buồn ngủ", công thức nấu gà với thuốc, ví dụ như siro ho Nyquil và các loại siro tương tự khác. Món ăn này đã trở thành xu hướng, thu hút sự chú ý của FDA, cơ quan này đã đưa ra cảnh báo vào tháng 9 năm ngoái.

"Những thử thách video này thường nhắm vào giới trẻ, có thể gây hại cho mọi người - và thậm chí gây tử vong", FDA cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình. "Đun sôi một loại thuốc có thể thay đổi đặc tính của thuốc theo nhiều cách khác nhau. Ngay cả khi bạn không ăn thịt gà, việc hít phải hơi thuốc trong khi nấu có thể khiến lượng thuốc xâm nhập vào cơ thể bạn ở mức cao. Nó cũng có thể làm tổn thương phổi".

5. Trào lưu nhét tỏi vào mũi để "trị nghẹt mũi"

6 trào lưu TikTok bác sĩ khuyên đừng làm theo: Số 4 đặc biệt nguy hiểm, FDA phải lên tiếng - Ảnh 5.

Theo bác sĩ, nhét tỏi vào mũi có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Theo những người quảng bá trào lưu này, nếu bạn đang bị nghẹt mũi, hãy nhét một nhánh tỏi vào mũi của bạn.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Timothy Wuu, một bác sĩ gia đình tại Mỹ, nhét tỏi vào mũi có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Mùi tỏi gây kích ứng mũi, vì vậy nó sẽ khiến mũi tiết ra nhiều chất nhầy hơn bình thường.

Bác sĩ Wuu cho biết: "Điều này cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác như phát ban trong mũi hoặc nhiễm trùng nếu một mảnh tỏi nhỏ lọt vào mũi của bạn".

6. Trào lưu ăn bột protein khô trước khi tập luyện

6 trào lưu TikTok bác sĩ khuyên đừng làm theo: Số 4 đặc biệt nguy hiểm, FDA phải lên tiếng - Ảnh 6.

Chuyên gia khuyến cáo không nên ăn bột protein khô.

Theo trào lưu này, bạn có thể ăn một muỗng bột protein khô trước khi tập luyện (không pha với nước) để "cơ thể hấp thụ bột nhanh hơn và giúp bạn tập luyện tốt hơn".

Nhưng theo bác sĩ Wuu, điều này cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và thậm chí là đau tim. "Những loại bột này được thiết kế để tiêu thụ với tốc độ chậm hơn thông qua chất lỏng", bác sĩ Wuu nói. "Việc cố gắng đẩy nhanh quá trình này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng".

Kết luận

Thực tế là các trào lưu sức khỏe trên mạng có thể vô hại nhưng cũng có thể nguy hiểm. Do đó, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử bất cứ trào lưu sức khỏe nào, theo Tiến sĩ Leana Wen, một bác sĩ cấp cứu và giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Viện Milken thuộc Đại học George Washington, Mỹ.

"Một cách khác là kiểm tra các trào lưu này trên các trang web uy tín để biết thông tin chuẩn xác", Tiến sĩ Wen nói thêm.

(Nguồn: CNN, Mạng lưới y tế Hackensack Meridian Health)

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/6-trao-luu-tiktok-bac-si-khuyen-dung-lam-theo-so-4-dac-biet-nguy-hiem-fda-phai-len-tieng-a28644.html