Công ty phân tích sức khỏe Airfinity (Anh) dự báo khả năng đại dịch chết người như COVID-19 có thể xảy ra trong thập kỷ tới là khoảng 27,5% khi virus xuất hiện thường xuyên hơn và việc triển khai vắc-xin nhanh chóng là chìa khóa để giảm tỉ lệ tử vong.
Theo Airfinity, biến đổi khí hậu, sự gia tăng hoạt động đi lại quốc tế, gia tăng dân số và mối đe dọa từ các bệnh lây truyền từ động vật sang người góp phần gây ra rủi ro. Tuy nhiên, nếu vắc-xin hiệu quả được triển khai 100 ngày sau khi phát hiện mầm bệnh mới, khả năng một đại dịch chết người giảm xuống 8,1%, theo mô hình phân tích của Công ty Airfinity.
Trong trường hợp xấu nhất, một loại virus cúm gia cầm biến đổi có khả năng lây truyền từ người sang người có thể làm chết tới 15.000 người ở Anh chỉ trong một ngày. Trong bối cảnh thế giới chung sống với dịch COVID-19, các chuyên gia y tế đang chuyển sang bước chuẩn bị cho mối đe dọa toàn cầu tiềm ẩn tiếp theo.
Hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự xuất hiện của 3 loại virus corona chính gây bệnh SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) và COVID-19, cũng như đại dịch cúm H1N1 năm 2009.
Một nhân viên nuôi gia cầm được tiêm vắc-xin ngừa cúm mùa ở khu vực Melipilla - Chile hôm 31-3 Ảnh: REUTERS
Theo Bloomberg, sự lây lan nhanh chóng của chủng cúm gia cầm H5N1 đã và đang gây lo ngại. Dù cho đến nay chỉ có một số ít người bị nhiễm bệnh và không có dấu hiệu nào cho thấy chúng chuyển sang lây truyền từ người sang người nhưng tỉ lệ tăng vọt lây truyền ở chim và động vật có vú đã khiến các nhà khoa học và chính phủ lo ngại rằng virus có thể đang biến đổi theo những cách khiến chúng dễ lây lan hơn.
Công ty Airfinity cho biết nhiều mầm bệnh có nguy cơ cao như MERS và sốt Zika chưa được phê duyệt vắc-xin hoặc phương pháp điều trị và các chính sách giám sát hiện tại khó có thể phát hiện kịp thời một đại dịch mới, điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về biện pháp chuẩn bị ứng phó đại dịch.
Theo kênh Channel News Asia (Singapore), phó giáo sư Rajendram Rajnarayanan, Viện Công nghệ New York (Mỹ), cũng nhận định vắc-xin liều tăng cường nhắm vào các chủng Omicron được xem là biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng virus đã tiếp tục phát triển kể từ khi vắc-xin được tung ra vào năm ngoái.
Ấn Độ đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt được cho là do XBB.1.16 (còn được gọi là Arcturus) - dòng con của biến chủng phụ XBB của Omicron gây ra. XBB.1.16 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1 năm nay và được bổ sung vào danh sách theo dõi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 22-3.
Arcturus đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia khác, bao gồm Singapore, Ấn Độ, Nepal, Mỹ, Úc và Anh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp nhiễm được ghi nhận ở Nepal và Ấn Độ. WHO cho biết đến nay không thấy có sự gia tăng số ca nhập viện nặng hoặc tử vong do XBB.1.16.
Trong bối cảnh gia tăng số ca mắc đột biến, các nguồn tin thân với chính phủ nói với hãng thông tấn PTI (Ấn Độ) rằng các ca nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng trong 10-12 ngày tới nhưng bắt đầu giảm ngay sau đó. Tỏ ra thận trọng hơn, giới chuyên gia nhận định những dự đoán trên có thể thay đổi và khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như tỉ lệ tiêm chủng, biện pháp y tế công và sự xuất hiện của các biến thể mới.
Bác sĩ Vijay Kumar Gurjar, Trưởng Khoa Lão khoa tại Bệnh viện chuyên khoa Primus Super ở New Delhi, cho hay COVID-19 không còn được xem là đại dịch mà trở thành "bệnh có tính chu kỳ thường xuyên" ở Ấn Độ. Tương tự tại Nhật Bản, chính phủ nước này quyết định hạ cấp dịch COVID-19 xuống ngang với dịch cúm mùa và dự kiến có hiệu lực từ ngày 8-5.
Nhật Bản cũng thông báo sẽ chấm dứt các hạn chế liên quan đến biện pháp phòng chống COVID-19 khi nhập cảnh vào tháng 5. Trước đó, Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ việc bắt buộc đeo khẩu trang từ ngày 13-3.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/ngan-ngua-dai-dich-trong-tuong-lai-mau-chot-la-trien-khai-vac-xin-nhanh-a28666.html