Thông tin ngày 26/4, Bộ Y tế ghi nhận tại Hà Nội có thêm 430 ca bệnh COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, tăng 7 ca so với ngày hôm trước.
So với trung bình 7 ngày trước , số ca bệnh mới tăng 0,32%, số ca khỏi tăng 0,14% , số ca đang điều trị tăng 0,0081%, số ca nặng tăng 0,13%. Từ đầu năm 2023 đến ngày 26/4, toàn thành phố ghi nhận 3.995 ca COVID-19 phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện, thành phố còn 391 ca COVID-19 đang theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 315 ca ở mức độ trung bình. Trong số các F0 đang điều trị tại bệnh viện, có 38 ca phải thở oxy, bao gồm một ca phải thở máy và 37 ca thở oxy Mask, gọng kính.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, các biến chủng qua giải trình tự gen cho thấy cũng tương đồng như Việt Nam và thế giới (biến chủng XBB.1.5 và XBB.1.9.1), chưa có bằng chứng về gia tăng độc lực, nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ, các triệu chứng biểu hiện đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng.
Về công tác xét nghiệm, kết quả giải trình tự gen 22 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội từ 4/4 - 12/4 (14 mẫu bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 8 mẫu cộng đồng), đều thuộc chủng Omicron.
Ông Cương cũng cho biết, về cấp độ dịch, toàn thành phố hiện ở cấp độ 1.
Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà mới đây cũng đã yêu cầu các sở, ngành rà soát, chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo của đơn vị kịp thời trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, gửi báo cáo về công tác phòng, chống dịch và lực lượng ứng trực trong kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 về Sở Y tế theo quy định. Rà soát các lực lượng, ca bệnh, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.
Để tăng cường kiểm soát dịch, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản 1746/SYT-NVY yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19, kích hoạt giường điều trị được phân công theo tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.
Cùng với đó là việc kiểm tra, bảo trì hệ thống khí oxy, liên hệ nhà cung cấp oxy đảm bảo đáp ứng đủ oxy cho công tác điều trị khi cần thiết. Với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 điều trị nội trú, test nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ mắc COVID-19 nên xét nghiệm PCR để chẩn đoán, tránh bỏ sót ca bệnh khiến dịch bệnh lan rộng.
Các cơ sở y tế cũng cần theo dõi, quản lý chặt chẽ người nhập viện điều trị nội trú, phẫu thuật, thủ thuật có dấu hiệu ho, sốt.
Trong điều trị, hạn chế việc chuyển người bệnh lên tuyến trên bằng cách tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên theo phân tuyến hỗ trợ chuyên môn. Trong trường hợp phải chuyển tuyến cần liên hệ trước với bệnh viện đến và đảm bảo an toàn đối với người bệnh khi chuyển viện.
Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thanh Nhàn, chuyên khoa đầu ngành hồi sức cấp cứu và Bệnh viện đa khoa Đống Đa, đầu ngành truyền nhiễm rà soát nhân lực, trang thiết bị, quy trình chuyên môn…của mạng lưới hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm, đảm bảo đáp ứng tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, tổ chức tập huấn, tập huấn lại về hồi sức cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/so-ca-f0-tang-cao-ha-noi-ghi-nhan-2-bien-chung-phu-cua-omicron-a29630.html