Cảnh báo trẻ mắc hội chứng cử động bất thường

Liên tiếp thời gian gần đây, các bệnh viện (BV) nhi đồng trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều trẻ em có biểu hiện “lạ” như nháy mắt, lắc đầu, tặc lưỡi, nói tục, nhại lại động tác, âm thanh của người khác… đến thăm khám, điều trị. Các bác sĩ nhận định, các trẻ này mắc hội chứng TIC (cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được), là hệ quả của việc phụ huynh cho trẻ xem tivi, điện thoại và các thiết bị điện tử quá nhiều.

Cảnh báo trẻ mắc hội chứng cử động bất thường - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang thăm khám cho trẻ mắc hội chứng TIC

Gia tăng trẻ nhập viện vì TIC

Đang chờ đến lượt khám tại BV Nhi đồng 1, chị Hoàng Mai Linh (ngụ quận 10, TPHCM) cho biết, con trai 10 tuổi của mình thời gian gần đây hay có những biểu hiện giật cơ ở đầu và vai, thỉnh thoảng tay và chân của bé cũng bị co giật như động kinh. Sau khi các bác sĩ thăm khám, chị Linh mới biết con mình bị hội chứng TIC, mà nguyên nhân là bé chơi game trên điện thoại quá nhiều. Còn anh Nguyễn Quang Hào (ngụ quận 8, TPHCM) kể, 3 tháng trước, nhận thấy con trai 5 tuổi có những biểu hiện nháy mắt liên tục, nghĩ rằng con bị khô mắt, anh mua thuốc nhỏ mắt mỗi ngày cho con. Tuy nhiên, các triệu chứng nháy mắt của con trai anh Hào không những không thuyên giảm mà còn phát sinh thêm các biểu hiện như hay chun mũi, lắc đầu và đặc biệt là thường xuyên nói tục. Anh Hào đưa con đến BV khám và được các bác sĩ chẩn đoán con anh mắc hội chứng TIC. “Tôi đã từng nghe nói đến hội chứng này nhưng không nghĩ là con mình sẽ mắc, có lẽ do thời gian qua mẹ của cháu cho cháu xem tivi và điện thoại quá nhiều”, anh Hào nói.

Theo thống kê của BV Nhi đồng 1, thời gian gần đây, BV tiếp nhận số trẻ đến khám hội chứng TIC tăng so với trước. Nếu như trước đây, mỗi tháng BV chỉ tiếp nhận khoảng 50 ca thì thời gian gần đây con số này là từ 90-100 ca. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại BV Nhi đồng 2. Bác sĩ Nguyễn Thành Danh, Khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 2, cho biết, những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều rối loạn TIC ở trẻ em, đặc biệt là bé trai ở độ tuổi đến trường. Nguyên nhân được cho là do trẻ ngày càng sử dụng nhiều các thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại. Trong đó, trào lưu bắt chước TikTok dẫn đến trẻ mắc hội chứng TIC làm rung giật cơ và TIC âm thanh không thể kiểm soát được.

Gia đình đồng hành điều trị TIC cho trẻ

Theo Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, hội chứng TIC được chia làm 2 nhóm. Nhóm TIC đơn giản thường là các biểu hiện như nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm, thở dài, húng hắng, e hèm, lẩm bẩm, tặc lưỡi, la hét…. Nhóm TIC phức tạp thường kéo dài lâu hơn, diễn ra đồng thời các biểu hiện của TIC đơn giản và các hành động không chủ đích như: nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy…; hoặc nói các từ, các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét, có khi nói tục. Để điều trị hội chứng TIC, phải mất thời gian từ 3-6 tháng, trẻ được dùng thuốc nhẹ và điều chỉnh hành vi, cũng như hạn chế sử dụng thiết bị điện tử. Do đó, phụ huynh cần kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ, hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao…

Còn theo chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị Tâm lý, BV Nhi đồng Thành phố, triệu chứng TIC nhẹ đến trung bình thường không ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của trẻ. Tuy nhiên, rối loạn TIC có thể khiến trẻ bị cô lập, mâu thuẫn trong các mối quan hệ hoặc thậm chí bị bắt nạt. Chính vì thế, sự đồng hành của gia đình góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ ứng phó với những triệu chứng của rối loạn TIC. “Gia đình cần theo dõi về mức độ và tần suất xuất hiện biểu hiện TIC theo thời gian của trẻ. Sau khi đã quan sát và nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo hoặc kích hoạt triệu chứng, phụ huynh cần giải thích về rối loạn TIC một cách phù hợp với lứa tuổi cũng như mức độ nhận thức của trẻ, hướng dẫn trẻ tìm một chuyển động thích hợp thay thế vận động TIC. Ví dụ như hít thở theo nhịp, đếm từ 1 đến 10…”, chuyên gia Nhan Cẩm Nghi chia sẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý rằng, các triệu chứng TIC thường gia tăng khi trẻ gặp lo âu, phấn khích hay mệt mỏi. Vì thế, việc tổ chức những hoạt động nhẹ nhàng, thu hút sự tập trung chú ý của trẻ góp phần giảm nhẹ tác động của TIC. Ngoài ra, việc động viên khen thưởng khi trẻ có cố gắng kiểm soát TIC cũng góp phần gia tăng hành vi tích cực của trẻ. Các chuyên gia lưu ý, trong sinh hoạt thường ngày, gia đình cần tránh chú ý đến TIC, không phê phán trẻ và đảm bảo sự hỗ trợ, trấn an cần thiết khi triệu chứng TIC ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như sự tự tin của trẻ. Việc dành thời gian tương tác, giao tiếp với trẻ và hạn chế sự can thiệp bằng điện thoại cũng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rối loạn TIC nói riêng và đến sự phát triển của trẻ nói chung. “Hơn bao giờ hết, sự thông cảm, kiên nhẫn của gia đình đóng vai trò quan trọng giúp trấn an và gia tăng nhận thức về giá trị bản thân của trẻ. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở chuyên khoa để khám và thực hiện các xét nghiệm cũng như tư vấn để có những hướng điều trị can thiệp phù hợp với từng trường hợp”, chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi nêu ý kiến.

Theo các bác sĩ, rối loạn TIC ở trẻ em là việc trẻ có những vận động hoặc phát âm bất thường và lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát. Đây là rối loạn thường xuất hiện ở người trước 18 tuổi, trong đó tuổi khởi phát trung bình là từ 4 đến 6 tuổi, mức độ nghiêm trọng giảm dần ở tuổi vị thành niên, đa số giảm nhẹ khi trưởng thành. Theo một khảo sát ở Mỹ, tỷ lệ trẻ em được chẩn đoán rối loạn TIC là 3/1.000 trường hợp, và có một sự liên quan chung là các em đều sử dụng TikTok.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/canh-bao-tre-mac-hoi-chung-cu-dong-bat-thuong-a29741.html